TP HCM họp bàn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

(PLVN) - Ngày 10/4, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ giữa các doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành TP. Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu lên nhiều băn khoăn, trăn trở về thủ tục chồng chéo, vướng mắc giữa các luật; đặc biệt là thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn cho DN.
 

Doanh nghiệp than nhiều dự án đình trệ

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland nêu vướng mắc: “Hiện Tập đoàn có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy tờ nhà ở cho khách hàng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện. Novaland kiến nghị thành phố sớm phê duyệt tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ, các dự án tiếp tục triển khai”. 

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai trăn trở, công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công. Trong đó, có một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè (TP HCM), khu vực không thuộc diện rà soát của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên viên ở các Sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, các chính sách từ Luật đến Nghị định, thông tin hướng dẫn về lĩnh vực BĐS đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thanh tra kiểm toán kéo dài. Những vướng mắc này đã được lãnh đạo TP HCM tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn. Trong khi đó, việc các dự án ngưng trệ đã dẫn tới việc thiếu nguồn cung, giá cả lên cao. 

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã tổng hợp và gửi nhiều kiến nghị của DN kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn với mong muốn được lãnh đạo thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại hội nghị.

Theo đó, HoREA kiến nghị thành phố và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết có tình, có lý đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Qua đó, vừa bảo đảm nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của DN, người mua nhà. 

HoREA kiến nghị thành phố và các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi, cho tiếp tục các dự án bất động sản thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính nhưng chưa có quyết định đình chỉ, khẩn trương xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án…

Phải công bố thời gian giải quyết hồ sơ đất đai

Thông tin lại các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết: “Trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, đang được Công an thụ lý thì phải dừng lại, còn những dự án nào không rơi vào trường hợp nói trên thì UBND TP sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khởi động, triển khai. Thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 360 ngày xuống còn 240”. Ông Tuyến cũng chia sẻ, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp bất động sản. Thành phố chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh kiểm tra, chủ đầu tư áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài. Thành phố chịu áp lực về phát triển, thu ngân sách mỗi ngày hơn 1.000 tỉ đồng cũng như áp lực về sự yếu kém của một số cán bộ. Trong thời gian tới, thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển những cán bộ quận huyện thiếu trách nhiệm, sợ và đùn đẩy trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thông tin, từ cuối tháng 12/2018, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 6 vấn đề, trong đó có vấn đề xử lý đất công nhỏ đan xen trong dự án, quy trình rút ngắn thời gian duyệt giá đất. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, hiện thành phố hiện 38% nhà kiên cố, số còn lại là bán kiên cố và nhà tạm, trong khi dân số tăng hàng năm nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Vì thế, đây là thị trường khổng lồ để DN kinh doanh BĐS đầu tư. 

Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, Bí thư Thành uỷ TP HCM giao UBND TP có văn bản yêu cầu các Sở Xây dựng và công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp theo dõi. Đồng thời thành phố nên nghiên cứu phát triển các loại dịch vụ đa dạng trong sản phẩm bất động sản khu vực nội thành, tăng mảng xanh, chiếu sáng không ảnh hưởng nhiều đến xây dựng mới, qua đó xây dựng thành phố đẹp hơn, văn minh và đáng sống hơn. 

“Trong giải quyết hồ sơ dự án, không để tình trạng người đứng đầu trả lời “không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao””, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP có 75% dự án bất động sản khi đầu tư phải làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư… Thủ tục lòng vòng, không rõ trình tự trước sau nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến một số dự án khó có cơ hội triển khai. Đến năm 2020, thành phố đề ra chỉ tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ 39 dự án nên doanh nghiệp có cơ hội để tham gia. Tuy nhiên hiện nay thủ tục và chính sách chưa hấp dẫn doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Luật Đất đai (sửa đổi): Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh hằng năm

(PLVN) - Theo Luật đất đai (sửa đổi), bảng giá đất lần đầu sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất...
Khu công nghiệp Hòa Phú thu hút nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Giải phóng mặt bằng thực hiện khu công nghiệp Hòa Phú (Bắc Giang): Chủ tịch UBND chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch

(PLVN) - Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mới đây đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm trong quý 1/2024 hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 (GĐ1).
Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn - Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023: Siết tình trạng phân lô bán nền, ngăn chặn “dự án ma”, bảo đảm quyền lợi cho người mua, thuê mua bất động sản

(PLVN) - Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư, đặc biệt là người mua, thuê mua bất động sản.
Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

(PLVN) - Luật Nhà ở 2023 được thông qua lần này được dư luận đánh giá là có nhiều nội dung thay đổi có lợi cho người dân. Vậy cụ thể đó là những nội dung nổi bật nào? Phóng viên Báo PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Giám đốc điều hành Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Hình minh hoạ

Bộ Xây dựng bỏ đề xuất mỗi người chỉ được mua bán tối đa 5 căn nhà/năm

(PLVN) - Ngày 5/3/2024, trong dự thảo lần 2 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản , được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng đã chính thức bỏ đề xuất quy định mỗi cá nhân kinh doanh bất động sản chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua từ 3-5 căn nhà trong một năm.