Cả chính quyền lẫn nghệ sĩ đều tâm tư
Mong muốn này vừa được UBND TP HCM chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. TP cho hay, tháng 8/2019, địa phương đã tổ chức xét tuyển đặc cách 71 trường hợp có tài năng, năng khiếu đặc biệt để bổ sung nhân sự cho Nhà hát nghệ thuật Hát bội, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Tuy nhiên, chỉ có 31 trường hợp được công nhận kết quả. Còn 40 trường hợp còn lại do không có bằng cấp chuyên môn, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp nên hiện chưa được công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức.
Trong số những nhân sự này, có đến 8 NSƯT trong các lĩnh vực như: lĩnh vực cải lương có ông Nguyễn Thanh Phúc (Nghệ sĩ Trọng Phúc), bà Nguyễn Tú Sương (Nghệ sĩ Tú Sương), ông Trần Long Mỹ (Nghệ sĩ Dương Thanh); lĩnh vực xiếc có ông Giang Quốc Cơ, ông Giang Quốc Nghiệp, bà Lưu Thị Kim Liêu, ông Lê Văn Hà, ông Trần Ngọc Bảo. Ngoài ra còn có thể kể đến ông Nguyễn Tấn Lộc (Nghệ sỹ Tấn Lộc), bà Nguyễn Thị Thanh (Nghệ sỹ Diễm Thanh), diễn viên Doãn Long…
Về bằng cấp chuyên môn, cả 40 trường hợp trên đều chưa có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên; chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp. Có nhân sự chỉ đạt giấy chứng nhận đã học xong trung cấp, giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng...
Theo UBND TP HCM, những nghệ sĩ nói trên hiện đều là những nhân sự trụ cột trong hoạt động chuyên môn của đơn vị, giỏi nghề, có uy tín, được xã hội và Nhà nước tôn vinh trong lĩnh vực nghề nghiệp, đoạt các huy chương, giải thưởng trong các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn trong nước và quốc tế.
Rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công am hiểu lĩnh vực nghề nghiệp, đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, hiện nay khó tìm nguồn nhân sự thay thế. Bản thân nhân sự hết sức tâm tư vì thâm niên công tác đã lâu, bản thân yêu nghề, muốn gắn bó với ngành văn hóa nghệ thuật dù còn nhiều khó khăn.
Trước đây, nhân sự chưa tham gia tuyển dụng được do vướng mắc về điều kiện hộ khẩu TP và không có bằng cấp chuyên môn, nay đã được tháo gỡ bằng việc xét tuyển đặc cách viên chức.
Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa được công nhận kết quả do vướng mắc tại tiêu chí xác định tài năng, năng khiếu đặc biệt; bản thân nhân sự không đạt bằng cấp chuyên môn hoặc chưa trải qua lớp bồi dường về nghiệp vụ chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp để đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 10/2015 (của Bộ VHTT&DL và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh).
Cần gỡ vướng để trọng dụng nhân tài
UBND TP HCM nhìn nhận, thực trạng người có tài năng, đáp ứng ngay yêu cầu vị trí việc làm trong đó có cả những NSƯT nhưng chưa được tuyển dụng; trong khi đó, có trường hợp chưa chứng minh được tài năng nhưng được tuyển dụng trước do đáp ứng yêu cầu về bằng cấp; là một trong những bất cập trong lĩnh vực đặc thù của ngành. Điều này cũng làm nảy sinh những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người làm nghề, khó thu hút và giữ chân được nguồn nhân sự có tài năng, năng khiếu.
Cụ thể việc tuyển dụng diễn viên, nhạc công trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn đầy những khó khăn với đơn vị sự nghiệp do tính chất đặc thù. Có thể kể đến như: để trở thành một nghệ sĩ hát bội biểu diễn trên sân khấu phải trải qua nhiều năm khổ luyện từ ca hát đến vũ đạo (khoảng 5 năm đào tạo để biểu diễn được loại hình nghệ thuật hát bội và khoảng 10 năm đào tạo để thành diễn viên chính).
Để trở thành nhạc công của những vở tuồng cải lương, hát bội, nhạc công cần trải qua thời gian đào tạo truyền nghề nhạc công cải lương khoảng 10 năm mới đủ sức am hiểu đầy đủ các loại hình nhạc cụ dân tộc và biểu diễn nhạc trong các chương trình nghệ thuật cải lương quy mô hoặc các vở tuồng. Nhạc công cải lương, hát bội hiện đang rất khan hiếm và sẽ còn khó tìm nguồn hơn nữa trong thời gian tới khi những nhạc công nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, có loại hình nghệ thuật không có trường lớp đào tạo, để có lực lượng kế thừa. Các đơn vị phải tìm kiếm nguồn diễn viên, nhạc công và đào tạo truyền nghề qua nhiều năm dài khổ luyện, mới tạo lực lượng diễn viên kế thừa, đảm bảo cho hoạt động của đơn vị. Thực tế, đã có diễn viên tuy không qua trường lớp đào tạo chuyên môn, nhưng có năng khiếu bẩm sinh, thanh sắc phù hợp, đáp ứng được ngay yêu cầu hoạt động nghề nghiệp.
Từ những khó khăn trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nêu trên, xét thấy nhu cầu cần bổ sung viên chức đáp ứng ngay vị trí việc làm tại các đơn vị; UBND TP HCM đã kiến nghị với Bộ VHTT&DL có ý kiến về chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, thứ nhất, UBND TP kiến nghị Bộ sớm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh để viên chức có điều kiện chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh. Điều này cũng giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xét tuyển đặc cách viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh.
Thứ hai, trong thời gian chờ tổ chức lớp bồi dường chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, kiến nghị Bộ VHTT&DL có ý kiến chấp thuận cho phép giải quyết việc công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, tiến tới bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
Ngay khi lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh được tổ chức, UBND TP HCM sẽ giao Sở VHTT chỉ đạo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp khẩn trương cử viên chức tham dự để chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.