Đơn của Cty Hoàng Hưng gửi các cơ quan chức năng. |
Theo ông Quân, ngày 22/6/2020, Hoàng Hưng ký hợp đồng với Cty CP Đầu tư Xây lắp điện Miền Bắc Việt Nam (Cty Điện) về cung cấp cột thép cho công trình Lộ ra 110kV trạm 220kV Tây Ninh 2.
Đến tháng 8/2020, Hoàng Hưng đã gia công 80% khối lượng theo hợp đồng. Phía Cty Điện đã nhận hàng và thanh toán theo khối lượng Hoàng Hưng giao.
“Còn lại 20%, Hoàng Hưng không thể gia công do bản vẽ chi tiết do Cty Điện chưa phù hợp. Hoàng Hưng đã gửi văn bản để nêu vấn đề và đề nghị hiệu chỉnh bản vẽ. Đến tháng 10/2020, Cty Điện mới có phản hồi. Do hợp đồng đã hết thời hạn, Hoàng Hưng mời Cty Điện đến để cùng ký các phụ lục hợp nhưng phía đối tác chưa đồng ý”, ông Quân nói.
Ngày 29/1/2021, Hoàng Hưng có Văn bản 08A/01/2021 gửi Cty Điện nêu rõ hợp đồng đã ký kết thì thời gian thực hiện, giao hàng đã hết hiệu lực, không đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng kinh tế. Với phần còn lại, chưa gia công do bản vẽ chưa phù hợp, nên không thể thực hiện được.
Hoàng Hưng đề nghị thanh lý hợp đồng. Đối chiếu công nợ thì Hoàng Hưng sẽ trả lại cho Cty Điện hơn 1 tỷ đồng gồm 30% giá trị tạm ứng phần không thi công và giá trị hàng hóa khi vận chuyển, giao nhận bị thất lạc.
Ngày 10/3/2021, Cty Điện trả lời, sau khi đối chiếu hàng hóa đã nhận, thì số tiền Hoàng Hưng phải hoàn lại là 1,196 tỷ đồng. “Hai bên đều thống nhất những hàng hóa đã làm, đã nhận. Việc chưa thống nhất số tiền hoàn trả vì số liệu “lệch” nhau là bình thường”, ông Quân nói.
Ông Quân kể: “Nhận được công văn của Cty Điện, chúng tôi chưa kịp phản hồi thì bất ngờ ngày 19/3/2021, hàng loạt trang web như Phapluatpress..., phapluatkinhte..., doisongdansinh..., alotingting..., doanhnghiepduongthoi..., phapluatgiadinh... đăng “bài viết” “Công ty Cơ điện Hoàng Hưng bị tố “lừa đảo”. Tất cả các trang này đều đăng cùng một tít, một nội dung sai sự thật để vu khống Hoàng Hưng”.
Theo ông Quân: “Thứ nhất, các website đã đăng tải nội dung “Hoàng Hưng nhận tiền thanh toán từ Cty Điện nhưng không giao hàng, nhiều lần tìm cách trì hoãn”. Hoàng Hưng đã giao đủ hàng theo số tiền thanh toán là 80% khối lượng theo hợp đồng. Cty Điện đã nhận hàng và có phiếu nhận. Với khối lượng hàng chưa gia công, Hoàng Hưng chỉ mới nhận tiền tạm ứng 30% và từ tháng 8/2020, Hoàng Hưng đã có văn bản gửi Cty Điện. Các website này nói Hoàng Hưng nhận tiền nhưng không giao hàng là sai sự thật”.
“Thứ hai, Hoàng Hưng không trốn tránh, từ tháng 8/2020 - 3/2021, đã có nhiều văn bản gửi Cty Điện để trao đổi, tìm cách tháo gỡ những vấn đề chưa thống nhất với nhau”.
“Thứ ba, các website này tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân tôi; không xin phép là vi phạm quyền nhân thân”.
“Thứ tư, Hoàng Hưng đồng ý trả lại tiền với khối lượng công việc không gia công được do bản vẽ chưa phù hợp, vậy thì nói “Hoàng Hưng chiếm đoạt tài sản” là vu khống”…
Ông Quân bức xúc: “Ai đã cung cấp thông tin cho các website này? Mục đích là như thế nào? Người cung cấp thông tin cố tình cung cấp thiếu hay do các website cố tình cắt ghép, chuyển tải một nửa sự thật khiến dư luận hiểu sai về bản chất vụ việc”.
“Trong suốt 30 năm làm việc trong nghề này, Hoàng Hưng chưa từng gặp trường hợp nào như thế này. Sau khi bị đăng tải sai sự thật, nhiều khách hàng đã gọi điện hỏi. Hoàng Hưng bị ảnh hưởng rất nhiều về uy tín, danh dự và thương hiệu. Thời gian qua, chúng tôi vừa chống Covid-19, vừa hoàn thành tốt công việc nhưng nay lại bị vu khống, nên rất bức xúc”.
Trong đơn, Cty Hoàng Hưng đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TT&TT, Công an TP HCM vào cuộc điều tra xử lý.
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Hành vi thông tin không đúng sự thật làm mất uy tín danh dự nhân phẩm, gây thiệt hại về quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý về tội “Vu khống” theo Điều 156 BLHS. Luật An ninh mạng cũng có quy định rất chặt về xử lý hành vi thông tin sai sự thật”.
Theo tra cứu, các website mà Hoàng Hưng phản ánh đều không có giấy phép hoạt động. Theo giới thiệu, trang congdongdansinh..., phapluatpress... là “của Truyền hình Việt Nam press có trụ sở tại 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP HCM); phapluatgiadinh... được giới thiệu “của Viện Phát triển Du lịch Xã hội Việt Nam có Giấy phép 78/GP-TTĐT do Sở TT&TT cấp ngày 7/10/2018”, nhưng tra cứu trên website của Sở TT&TT TP HCM thì Giấy phép 78/GP-TTĐT được cấp cho một bệnh viện và ngày cấp là ngày 15/10/2018; trên website phapluatkinhte... không ghi giấy phép và giới thiệu là “của Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”, nhưng tra cứu trên mạng thì không thấy có Viện này…