Trên đây là những vụ vi phạm điển hình mà lực lượng chức năng phát hiện. TP đã có nhiều chương trình, kế hoạch để quản lý, kéo giảm vi phạm. Tuy nhiên, theo UBND TP HCM, những vi phạm này chưa thể xóa, một phần nguyên nhân cũng vì những bất cập của pháp luật.
Luật chưa theo kịp thực tế
UBND TP HCM cho biết, hiện nay, việc kiểm tra, đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính về hành vi khiêu dâm, kích dục, thiếu trách nhiệm dẫn đến mại dâm xảy ra tại cơ sở theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội) gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không xử lý được, dẫn đến bức xúc trong xã hội, cụ thể:
Pháp luật hiện nay chưa quy định điều chỉnh, xử lý về hành vi “mại dâm đồng tính”. Quan hệ tình dục nam với nam, quan hệ tình dục nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm quan hệ tình dục (giao cấu), nên không thể xử lý hình sự về các tội liên quan đến mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý” theo Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 167/2013.
Trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính với cơ sở kinh doanh dịch vụ về hành vi “sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh” theo Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 167/2013 thì phải làm rõ được hai vấn đề: Một là trên thực tế phải có diễn ra “việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác”. Hai là phải chứng minh “sử dụng làm phương thức kinh doanh”.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm cũng như Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH ngày 17/3/2003 về phòng, chống mại dâm chưa quy định cụ thể, rõ ràng về “các hoạt động tình dục khác”. Còn để chứng minh “sử dụng làm phương thức kinh doanh” thì phải chứng minh có sự ăn chia tiền boa giữa tiếp viên với chủ, quản lý cơ sở.
Qua thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý hành vi “sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh” theo Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 167/2013 đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi phát hiện quả tang tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội như khách sạn, dịch vụ xông hơi, xoa bóp, hớt tóc có tiếp viên kích dục (bằng miệng, bằng tay) cho khách nếu không chứng minh được có sự ăn chia tiền boa giữa tiếp viên và chủ cơ sở thì không thể xử phạt. Đồng thời, hành vi này chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự nên cơ quan chức năng lập biên bản ghi nhận lời khai của khách, tiếp viên và chủ, quản lý cơ sở.
Trường hợp tiếp viên khai có hoặc không ăn chia với chủ, quản lý và chủ, quản lý cơ sở khai không có ăn chia tiền boa của tiếp viên thì không đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, việc đấu tranh chỉ dựa vào lời khai của tiếp viên, người quản lý, chủ cơ sở là không khách quan.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài
UBND TP HCM cho biết, từ thực trạng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH ngày 17/3/2003 về phòng, chống mại dâm: Bổ sung các quy định về “mại dâm đồng tính”. Và quy định cụ thể về: “Tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh”, “sử dụng các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh” tại Điều 25 Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Công an nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định số 167/2013 theo hướng người đại diện của cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị phạt tiền khi cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mại dâm, khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở. Qua đó nhằm đảm bảo nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh và cơ quan chức năng có thể thực thi nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực tiễn.
UBND TP HCM nhìn nhận, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh ngành nghề chăm sóc da mặt bằng tay (spa), dịch vụ xông hơi, chăm sóc sức khỏe. Cơ sở chỉ sử dụng kỹ thuật viên xoa bóp nam để phục vụ khách nam hoặc không sử dụng kỹ thuật viên xoa bóp mà chỉ tổ chức bán vé vào cửa cho toàn là khách nam vào sử dụng thiết bị, vật chất dịch vụ xông hơi. Trong thời gian này, họ để cho các khách nam tự do thực hiện xoa bóp lẫn nhau, lợi dụng thực hiện kích dục, quan hệ tình dục nam đồng tính. Hoạt động của các cơ sở này công khai, thách thức chính quyền vì chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, chế tài xử lý.