Liên tục có cảnh báo
Ngày 14/11/2017, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản số 129/CV-HOREA, gửi đến UBND TP, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp để cảnh báo về thông tin sai sự thật liên quan đến dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
HoREA nêu đích danh 2 doanh nghiệp cần cảnh giác là Cty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM và Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba (trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh nhưng hoạt động thường xuyên tại chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM).
Cụ thể, 2 doanh nghiệp trên tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Khu vực VIII – 3”.
Trong khi đó, sự thật là dự án này đang được thành phố mời gọi đầu tư, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Ngoài ra, dự án này đến nay chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, nên hai Cty trên không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư “không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ”, văn bản của HoREA khẳng định.
HoREA trong thời gian ngắn đã nhiều lần gửi công văn đến các cơ quan, ban ngành TP HCM để báo cáo về hoạt động kinh doanh bất bình thường của 2 công ty trên. HoREA cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc 2 công ty có dấu hiệu tăng vốn điều lệ “ảo”, công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng “kiểu kinh doanh đa cấp” tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, thậm chí bán đất nền dự án “ma” trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và TP HCM.
Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc sau đó cũng có công văn gửi UBND TP.HCM về việc Công ty Địa ốc Alibaba mở bán dự án trái phép trong Khu đô thị. Theo công văn này, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cho rằng dự án do Địa ốc Alibaba đề xuất chưa được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết hoạt động của Cty CP Địa ốc Alibaba đối với dự án ở Củ Chi là hình thức huy động vốn trước khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Cty CP Địa ốc Alibaba vẫn chưa có pháp lý gì với dự án này.
Ngày 20/11, Sở TN-MT TP HCM phát thông báo khẩn cho biết sở liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về 2 Cty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Cty CP Địa ốc Alibaba (thực chất là một đơn vị điều hành) rao bán dự án chưa đầy đủ thủ tục cần thiết. Qua kiểm tra, đơn vị nhận thấy những quảng cáo của Địa ốc Alibaba không đúng sự thật.
Sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, ngày 21/11, UBND TP.HCM đã có công văn gửi đến hiệp hội BĐS, các sở ngành liên quan cùng các quận huyện chỉ đạo về việc xử lý các sai phạm của Cty cổ phần Địa ốc Alibaba.
Mặc cho những cảnh báo các cơ quan, 2 doanh nghiệp nói trên vẫn tiếp tục các hoạt động quảng cáo không đúng sự thật, mồi chài khách hàng bằng cách phủ định các thông tin cảnh báo. Nhiều nhân viên môi giới tự xưng là người của Cty địa ốc Alibaba khăng khăng rằng Cty bị vu khống, cạnh tranh không lành mạnh vì mới ra đời nhưng lớn mạnh quá nhanh đồng thời không ngừng tung hô lãnh đạo Cty.
Địa ốc Alibaba vẫn quảng cáo dự án Khu đô thị Tây Bắc mặc kệ các cảnh báo |
Khách hàng có thể bị mất trắng
Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt cho rằng, việc Cty Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP.HCM (Mã doanh nghiệp 0314675116) và Cty Địa ốc Alibaba (MDN 0313788565) công bố là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi là hoàn toàn không đúng sự thật. Vì theo cơ quan quản lý thì dự án này vẫn chưa chọn được chủ đầu tư.
Mặt khác, hai Cty này còn thực hiện việc quảng cáo, tổ chức huy động vốn, nhận giữ chỗ để đầu tư và được quyền ưu tiên mua sản phẩm đất nền tại dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đã vi phạm nhiều quy định pháp luật ở mức độ khá nghiêm trọng như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, chắc chắn sau khi thanh kiểm tra sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý, dù cho mới đây, đại diện của công ty này đã xin lỗi tới khách hàng, đối tác và toàn thể nhân viên công ty. Ngoài ra, công ty bắt buộc giải quyết với số tiền đã nhận của khách hàng. Nếu không trả được khách hàng số tiền đã nhận, mà số tiền đó đã sử dụng cho mục đích khác, thì còn có thể bị điều tra xác định về trách nhiệm hình sự.
Đối với khách hàng, rủi ro sẽ không chỉ giới hạn ở 28%/năm, 3%/tháng (theo cam kết của địa ốc Alibaba) của phần lợi nhuận mà có thể còn xảy ra với phần tiền gốc đã chuyển. Ở góc độ pháp lý, nếu giao dịch bị tuyên vô hiệu thì mọi cam kết cũng đều vô hiệu.
Do đó, với những giao dịch không đúng quy định pháp luật thì đừng nghĩ đến phần cam kết này, dù cam kết cao hay thấp đều vô nghĩa. Đối với việc địa ốc Alibaba công bố những thông tin không đúng sự thật và huy động vốn trái quy định pháp luật thì càng rất khó tin những cam kết đó là khả thi trên thực tế. Cũng không loại trừ mục đích cam kết đó chỉ là cam kết đại, nhằm mục đích lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch. Trong trường hợp đó, mức độ rủi ro càng lớn hơn và khó lường hết.