Theo đó, tại TP HCM sẽ tồn tại hai hình thức là dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tùy tình hình thực tế mỗi trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.
Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Đảm bảo việc chọn lựa giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học viên tham gia học thêm. Về quy mô, mỗi lớp học thêm trong nhà trường có không quá 45 học sinh.
Nhà trường có trách nhiệm thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng không vượt quá mức trần được phép thu quy định. Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn mức thu.
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Sở yêu cầu, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm. Công khai mức thu tiền học thêm, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh theo quy định.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm cam kết với UBND phường - xã, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; an toàn phòng cháy chữa cháy; không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh; đảm bảo vệ sinh môi trường.