Theo đó, ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức báo cáo về tình hình, tiến độ của dự án, cụ thể: tổng số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án là 587 trường hợp. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức đã tổ chức chi trả tiền 412/587 trường hợp (trong đó 205 trường hợp đất nông nghiệp và 207 trường hợp đất ở) với tổng số tiền 3.091,986 tỷ đồng, 286/412 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích bàn giao mặt bằng 89,029ha, chiếm 89,19%.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Theo Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức, công tác vận động chấp hành giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc thù của tuyến đường Vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức có 2/3 số lượng hồ sơ là nhà ở, đất ở việc thu thập pháp lý, xác minh, xác nhận 2 nguồn gốc mất nhiều thời gian hơn đối với hồ sơ đất nông nghiệp (so với các địa phương khác) và phần lớn các hộ nhận chuyển nhượng bằng giấy tay, chuyển mục đích thành đất phi nông nghiệp sau thời điểm quy định của pháp luật, không đồng ý bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp, khó khăn trong công tác vận động.
Một số trường hợp đất nông nghiệp mặt tiền đường lớn (có tên trong bảng giá đất) và đất nông nghiệp trong khuôn viên đất ở chưa đồng thuận với đơn giá đất nông nghiệp, vì những trường hợp này cho rằng đất nông nghiệp giá thấp.
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức |
Về cơ sở áp giá cho các hộ dân, Trưởng Ban giải phóng mặt bằng cho biết: Giá bồi thường tương đối sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Cụ thể, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức đã thuê đơn vị tư vấn có chức năng định giá đất thực hiện khảo sát, thu thập thông tin các hợp đồng giao dịch thành công trên thị trường trên cùng tuyến đường hoặc khu vực lân cận để lập chứng thư định giá đất.
Ban giải phóng mặt bằng Thành phố Thủ Đức đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thu hồi như: thành lập 6 tổ công tác trên 4 phường (mỗi phường mỗi tổ công tác riêng địa bàn phường Long Bình số hồ sơ bị ảnh hưởng nhiều nên có 3 tổ công tác) do các thành viên trong Ban Thường vụ Thành uỷ làm tổ trưởng để nắm bắt tình hình, vận động, giải thích, nắm bắt từng trường hợp cụ thể, từng hồ sơ cụ thể để giải quyết hoặc đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai dự án.
Ngoài ra, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức còn phân loại hồ sơ, các hồ sơ đã đồng thuận tập trung triển khai chi trả ngay, xuống tại Uỷ ban nhân dân các phường nơi có đất bị thu hồi để tiến hành làm thủ tục chi trả, nhằm tạo hiệu ứng tốt với người dân, tránh người dân đi lại.
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức sẽ tập trung vận động, thuyết phục các trường hợp còn lại, giải thích tầm quan trọng của Dự án, sự phát triển giao thông, kết nối khu vực, vùng, tránh tắc nghẽn giao thông, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội để bà con hiểu rõ và chia sẻ cùng với Nhà nước, chấp hành chủ trương. Trường hợp đã vận động nhiều lần, đúng theo quy định thì xin chủ trương thu hồi đất bắt buộc.