Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, hiện toàn TP ghi nhận tổng cộng 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ (Mpox). Hiện đã có 1 ca đã tử vong do có rất nhiều bệnh lý nền kèm suy giảm hệ miễn dịch.
Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, diễn tiến sức khoẻ đều ổn định. Trong đó đã có 8 bệnh nhân kết thúc thời gian cách ly điều trị theo quy định của Bộ Y tế.
"Tình hình dịch tễ học bệnh đậu mùa khỉ tại TP HCM có điểm tương đồng với dịch tễ học trên thế giới. Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, bên cạnh những người mắc bệnh đến khám thì vẫn còn những người bệnh đậu mùa khỉ chưa đến khám. Với bệnh này, trường hợp bệnh nhẹ có thể tự khỏi trong vòng 2 - 4 tuần. Bệnh chỉ có thể nặng hơn ở một số những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như: thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, đặc biệt là người suy giảm miễn dịch", bác sĩ Nga thông tin.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cũng lưu ý, tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ như nhau khi tiếp xúc với trường hợp nguy cơ cao. Cụ thể như tiếp xúc trực tiếp trên sang thương trên da, tiếp xúc qua quan hệ tình dục với người bị bệnh.
Đến nay, ngành y tế TP đã tổ chức đồng bộ các biện pháp phòng bệnh. Theo đó, ngành y tế củng cố lại toàn bộ hệ thống giám sát bằng cách tập huấn cho tất cả các phòng khám, bệnh viện cả công và tư. Ngành y tế cũng có những biện pháp để đánh giá nguy cơ dịch lan trong cộng đồng.
"Phòng hỗ trợ lây lan, đối với bệnh đậu mùa khỉ lây trực tiếp đối với người mắc bệnh, quan trọng nhất phát hiện sớm, những người có triệu chứng nghi ngờ phải tự phát hiện vì những sang thương thường xuất hiện ở những chỗ kín đáo như mông, bộ phận sinh dục… Ý thức tự phát hiện, tự giác đi khám bệnh của người dân sẽ hỗ trợ giúp ngành y tế kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi biết có bệnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh như quan hệ tình dục…", bác sĩ Nga khuyến cáo.