TP HCM: Cần giải pháp hữu hiệu, triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng nợ BHXH

Doanh nghiệp nợ BHXH, khiến hàng chục ngàn lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Doanh nghiệp nợ BHXH, khiến hàng chục ngàn lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều năm qua tại TP HCM tình trạng nợ BHXH có xu hướng tăng, nhưng lại chưa có giải pháp hữu hiệu, triệt để ngăn chặn tình trạng này.

TP HCM hiện có hơn 17.300 doanh nghiệp nợ BHXH, khiến hàng chục ngàn lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp dùng nhiều cách để trốn đóng BHXH, khi bị người lao động (NLĐ) khiếu nại, cơ quan chức năng thanh tra thì tìm mọi cách để né tránh...

Đến nay, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại TP HCM là hơn 6.870 tỷ đồng, tăng hơn 649 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu, thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là hơn 4.470 tỷ đồng.

Trong khi đó giải pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chỉ mang lại hiệu quả nhất định, theo quy định hiện hành, hình thức chế tài khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự đối với hành vi gian lận, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN được xem là phương thuốc hữu hiệu, có tính răn đe nhất.

Theo Thượng tá Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP HCM) Ngô Thuận Lăng, nguyên do là, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” quy định, người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự. Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định.

Hồ sơ, chứng cứ phía BHXH chuyển giao cho cơ quan CSĐT toàn là bản photocopy, không có giá trị pháp lý; cơ quan BHXH không cung cấp được chứng từ chứng minh việc đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho doanh nghiệp về hành vi trốn đóng BHXH nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.

Nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với NLĐ, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.

Theo ông Ngô Thuận Lăng, cần phải kiến nghị lên cơ quan cấp trên, bổ sung và hoàn thiện Điều 39 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP, để làm sao khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì phải tách bạch được hành vi trốn đóng với các hành vi đóng chậm, đóng thiếu. “Đây là một cơ sở và khi xử lý vi phạm hành chính thì chúng ta phải có quy trình tống đạt rất rõ ràng để xác định được. Từ đó làm cơ sở khởi đầu để nếu đơn vị tái phạm thì ta xử lý hình sự”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng nói.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP HCM), trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP HCM), trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự.

Theo ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, tính đến cuối tháng 6/2024, thành phố có 17.365 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 3.055 tỉ đồng, khiến 93.000 NLĐ không được hưởng kịp thời các quyền lợi khi thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất…

“Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp cùng Liên đoàn Lao động các quận, huyện và TP Thủ Đức, nhiều lần hỗ trợ NLĐ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, về xử lý hình sự thì tính đến nay chưa có trường hợp nào”, ông Phạm Chí Tâm cho biết.

Do đó, ông Phạm Chí Tâm đề nghị, cần áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật BHXH, chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM Trịnh Thị Thanh cho rằng, cần lập danh sách các doanh nghiệp trong số hơn 17.000 doanh nghiệp chậm đóng, chây ỳ nộp BHXH, để phân rõ trách nhiệm và cùng tham gia xử lý, tạo thành một đợt cao điểm để giải quyết những trường hợp này. Cùng với đó thì cần phải đẩy mạnh công tác thông tin giống như tiếng nói báo động.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc BHXH TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 917 đơn vị với tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 176,3 tỉ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã khắc phục 52 tỉ đồng (tỉ lệ trên 29%). Kết quả thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 85 đơn vị; kiến nghị ban hành 61 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỉ đồng.

Cũng theo Phó Giám đốc BHXH TP HCM, với doanh nghiệp nợ, sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra. Hiện nay BHXH TP đang tăng cường thanh tra đóng đối với đơn vị nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp NLĐ, để giảm số nợ và quan trọng nhất là vì NLĐ để họ hưởng đầy đủ chế độ mà họ phải được thụ hưởng.

Từ năm 2020 đến nay, Công an TP HCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố từ cơ quan BHXH chuyển đến, nhưng chưa khởi tố được vụ án cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng NLĐ có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Đọc thêm

Thêm giây phút kinh hoàng tại Làng Nủ, Lào Cai

Thêm giây phút kinh hoàng tại Làng Nủ, Lào Cai
(PLVN) - Quá trình tìm kiếm nạn nhân, nhận ra đất đá trên khu vực núi gần hiện trường có dấu hiệu sạt sụt, nghi xảy ra lũ quét tiếp nên mọi người hô hoán các chiến sĩ quân đội, công an nhanh chóng rời khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, khoảng cách xa, lực lượng chức năng phải phát kẻng dồn dập để thông báo...