Mặc dù khi áp sát bờ, bão số 9 giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới nhưng sức gió vẫn duy trì ở cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 tại khu vực biển Cần Giờ. Bão số 9 là cơn bão có hướng di chuyển thẳng vào TP HCM nên đi đến đâu gây mưa lớn đến đó.
Do ảnh hưởng của bão, TP HCM hứng chịu lưu lượng và thời gian mưa “lịch sử”, khiến 102 khu vực ở TP ngập nặng; người dân trắng đêm tát nước, hàng nghìn ôtô, xe máy hư hỏng.
Mưa lớn kỷ lục tại TP HCM gây ngập trên diện rộng, có nơi ngập đến 1m |
Dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên diễn biến thời tiết vẫn hết sức phức tạp. Do đó Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương có hư hại về hạ tầng giao thông nhanh chóng khắc phục. Địa phương có thiệt hại về nhà cửa, tàu bè triển khai hỗ trợ người dân khắc phục để ổn định cuộc sống.
Do nhiều khu vực trên địa bàn TP bị ngập nước khiến hệ thống tủ điện, dây điện chìm trong nước. Nhận thấy vấn đề trên sẽ nguy hiểm cho người đi đường và cơ quan chức năng khi tham gia khắc phục mưa bão nên công ty đã phối hợp với các quận huyện tổ chức cắt điện tạm thời để kiểm soát tình hình.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thống kê có 36 chuyến bay bị trễ và 6 chuyến bay phải hạ cánh ở các sân bay khác do tắc nghẽn không lưu.
Đến sáng qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP vẫn ngập sâu trong nước, cùng với ngày đầu tuần nên gây kẹt xe nặng, khiến nhiều người dân phải bỏ làm.
Trên các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), tình trạng kẹt xe phải đến đầu giờ chiều mới được cải thiện.
Sáng 26/11, kẹt xe nghiêm trọng trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) do ngập nước |
Ở nhiều nơi, do ngập nặng, xe chết máy nhiều. Tầng hầm nhiều chung cư vẫn còn ngập nước, xe ô tô nằm la liệt do chết máy không thể di chuyển ra ngoài. Nhiều nhà dân, hộ kinh doanh, chung cư ở khu vực Hoà Hưng (quận 10), Phan Xích Long (Phú Nhuận)… vẫn đang tích cực dọn dẹp, thuê máy bơm hút nước dưới hầm ra ngoài.
Ngày 26/11, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an TP HCM cho biết đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và người dân chống ngập, cứu nạn - cứu hộ, nhằm giảm thiệt hại do cơn bão gây ra. Trong đó, Cảnh sát PCCC nhận 24 tin báo cháy điện, 1065 tin báo hút nước chống ngập, cây xanh ngã đổ; xử lý thành công điểm ngập tại trạm biến áp 500KV - 220KV Nhà Bè.
Mưa lớn kèm gió làm nhiều cây xanh gãy đổ |
Ngoài ra, Cảnh sát PCCC cũng đã điều động 15 xe, 12 máy bơm cùng 95 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho tỉnh Bình Dương chữa cháy xưởng lốp xe ngay trong bão. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn đang tích cực hút nước chống ngập tại nhiều địa điểm trên TP.
Theo phần mềm cảnh báo ngập nước của Công ty Thoát nước đô thị TP HCM đến 7 giờ ngày 26/11, khoảng 15 tuyến đường của TP còn bị ngập nước. Đến chiều vẫn chưa có thống kê cụ thể thiệt hại về người và vật chất do bão số 9 gây ra tại TP HCM.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, bão số 9 đã làm 51 căn nhà đổ sập, hư hỏng, 46 thuyền bị chìm, hư hại, ngập khoảng 1.500m quốc lộ huyết mạch.
Mưa lớn gây ngập nghiêm trọng tại Nha Trang, Vũng Tàu và TP HCM. Cơ quan chức năng đã phải sơ tán 105.023 người thuộc các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đến nơi trú ẩn an toàn.
Sau bão số 9, sáng 26/11, tại Khánh Hòa, lượng mưa giảm, nước đang rút, người dân từ nơi sơ tán đang trở về nhà, một số khu vực vẫn bị chia cắt, cô lập. Ông Đặng Văn Thứ, Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, mưa lũ tại địa phương không gây ra sập nhà, hư hỏng đường sá, tuy nhiên hoa màu của người dân bị hư hại.
Chính quyền đang cho rà soát lại tổng thể sau đó lên phương án khắc phục. Những hộ khó khăn, gia đình chính sách cần lực lượng hỗ trợ thì xã sẽ triển khai, chủ yếu là vấn đề môi trường.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, đến nay vẫn bị chia cắt với đồng bằng vì tỉnh lộ 9 bị sạt lở nhiều đoạn, trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn qua đèo Khánh Sơn. Ngành giao thông tỉnh Khánh Hòa đang tập trung phương tiện để gia cố, khắc phục, cố gắng thông một làn xe vào tối nay.
Việc cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Tô Hạp và vùng phụ cận bị gián đoạn vì nguồn nước sông quá đục. Các cửa hàng thương mại miền núi huyện Khánh Sơn đã chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để cung ứng cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.