Tai nạn liên quan lứa tuổi học sinh còn diễn biến phức tạp
Theo Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - PC08), Công an TP HCM, 6 tháng đầu năm TP xảy ra 808 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 223 người, bị thương 539 người. So với cùng kỳ 2023, giảm 15 vụ, giảm 129 người chết nhưng tăng 83 người bị thương.
Trong đó, TNGT liên quan lứa tuổi học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ TNGT do nồng độ cồn vẫn ở mức cao, chiếm 23% trong tổng số vụ tai nạn.
Lực lượng CSGT đã xử lý trên 87.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy (1.200 trường hợp vi phạm về ma túy), tăng 25.000 trường hợp; trên 3.000 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông.
Theo Trưởng phòng PC08, khi lực lượng CSGT thường xuyên giám sát, xử lý vi phạm nồng độ cồn quanh khu vực nhà hàng, quán nhậu; người dân có xu hướng chuyển về nhậu ở nhà, các con hẻm nhưng vẫn tham gia giao thông. Thời gian tới, CSGT sẽ tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng như liên quan đến các phương tiện chở học sinh tham gia giao thông.
Tình trạng rải đinh, vật sắc nhọn… vẫn còn diễn ra tại QL1 qua Thủ Đức, huyện Bình Chánh gây nguy hiểm cho người dân. Thượng tá Hiếu cho rằng phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trưởng phòng PC08 kiến nghị UBND TP, Ban ATGT cấp huyện tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm sửa chữa, điểm vá vỏ xe… Tổ chức cam kết, làm việc với các chủ hộ kinh doanh không tiếp tay, rải đinh, vật sắc trên các tuyến đường. Kiên quyết xử lý, dẹp bỏ các điểm vá vỏ xe lưu động tự phát.
Báo tại Hội nghị, Ban ATGT TP cho biết, về xử lý “điểm đen” TNGT, Ban đã chủ động phối hợp thực hiện chủ trương, giải pháp; xử lý điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; chủ động phân luồng giao thông ngay từ đầu, không để xảy ra ùn tắc, không để phát sinh các điểm nguy cơ ùn tắc mới.
Ban sẽ tập trung rà soát các điểm mới của Luật Đường bộ; Luật TTATGT đường bộ để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, các quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới; rà soát, đánh giá, tổ chức các đoàn làm việc và phối hợp giải quyết những kiến nghị về bất cập hạ tầng giao thông.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý lòng đường, vỉa hè
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đánh giá thực tế vẫn còn tồn tại các vấn đề hạ tầng giao thông tiếp tục quá tải do lượng xe cá nhân tăng nhanh; tình trạng ngập nước; lề đường, vỉa hè bị tái lấn chiếm để làm nơi kinh doanh, buôn bán sau các đợt ra quân vẫn còn phổ biến, nhất là tại một số khu vực trung tâm, các bệnh viện lớn, các tuyến đường, địa bàn giáp ranh các quận, huyện,...; nhiều nơi đường chưa thông, hè chưa thoáng, gây mất trật tự mỹ quan đô thị.
Ông Cường đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá việc gương mẫu tuân thủ và chấp hành nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia; không vi phạm liên quan chất kích thích; không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành tốt các quy định về ATGT và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ông Cường đề nghị Công an TP tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm và thông báo định kỳ với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang vi phạm về giao thông hoặc can thiệp việc xử lý vi phạm. Thủ trưởng các cơ quan quản lý phải tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật các trường hợp này, báo cáo UBND TP.
Liên quan việc tái lập trật tự lòng đường, vỉa hè, ông Cường cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đô thị và phải được tiến hành một cách thường xuyên, quyết liệt nhưng kiên trì, bình tĩnh, không nóng vội. Trong đó, then chốt vẫn là công tác vận động.
Vì vậy, từng địa phương quận, huyện, phường, xã phải chọn từng tuyến đường cụ thể để khảo sát, nắm chắc tâm lý từng hộ dân để xây dựng kế hoạch cụ thể, sau khi lập lại trật tự phải bàn giao Tổ nhân dân tự quản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lòng đường, vỉa hè như camera giám sát, số hóa vỉa hè, nhà giữ xe thông minh...
Tại Bạc Liêu, ngày 15/8, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức Lễ ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm và bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Thời gian qua, tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản ổn định, nhưng có lúc vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Bảy tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 64 vụ TNGT đường bộ, làm chết 32 người, bị thương 62 người.
Để kiềm chế, kéo giảm các vụ TNGT, tạo chuyển biến tích cực về TTATGT, Phòng CSGT đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh mở cao điểm TTKS, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để bảo đảm TTATGT.
Trong thời gian 3 tháng (15/8 - 15/10), lực lượng CSGT toàn tỉnh phối hợp lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn; chở hàng quá khổ quá tải; tự ý cải tạo phương tiện; chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm; đua xe trái phép; chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng… Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ. Vận động người dân tham gia Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT”.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Thượng tá Bùi Trung Kiên, Trưởng Phòng CSGT yêu cầu: “Trong quá trình xử lý vi phạm phải công khai, minh bạch, không chấp nhận sự can thiệp nào trong xử lý. Kết hợp công tác TTKS với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nói chung, người vi phạm nói riêng, để từ đó hạn chế đến mức thấp nhất tình hình vi phạm về TTATGT”. Trọng Nghĩa