Ông Nguyễn Ngọc Tú, Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, kinh tế - xã hội Hải Phòng 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và phát triển; một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp gần 1,4 lần mức tăng bình quân chung cả nước (cả nước tăng 8,7%). Thu ngân sách TP đạt gần 54.000 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt trên 20.800 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 31.900 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ .
Bên cạnh đó, trong 6 tháng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 71 triệu tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ, bằng trên 42% kế hoạch năm (Kế hoạch năm đạt 168 triệu tấn). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 1,1tỷ USD, giảm trên11%so với cùng kỳ năm 2021, bằng gần44% kế hoạch năm (Kế hoạch năm: 2,5 đến 3,0 tỷ USD). Số lượng khách du lịchđạt trên 3 triệu lượt khách, tăng trên 27% so với cùng kỳ 2021, bằng trên 66% kế hoạch năm (Kế hoạch năm thu hút 4,53 triệu lượt khách)…
Liên quan đến thực hiện chủ đề năm của TP về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số”, TP đã Ban hành Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số thành phố để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Tập trung triển khai 63 nhiệm vụ về chuyển đổi số thành phố năm 2022 tại 21 sở, ngành, đơn vị.
Về xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ của 4 huyện (Kiến Thuỵ, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên) theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện chuẩn nông thôn mới; triển khai đánh giá các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-202502 đối với huyện Vĩnh Bảo và huyện An Lão. Tiếp tục triển khai thí điểm xây dựng 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021 và chuẩn bị triển khai đối với 35 xã tiếp theo.
Bên cạnh đó, TP đã hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm. Tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Triển khai xây dựng nhà ở xã hội kết hợp với giải quyết nhà cho các hộ tại chung cư cũ. Tập trung hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở…
Về hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, TP đã cấp đăng ký thành lập mới cho trên 1.600 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 16.300 tỷ đồng, tăng trên 8% về số doanh nghiệp và giảm trên 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, với hiệu quả từ những quyết sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hải Phòng đã đã vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tăng 5 bậc so với năm 2020, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 lần đầu tiên đứng đầu cả nước, đạt 91,8%, cao hơn 0,66% so với Quảng Ninh là đơn vị xếp thứ 2. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) xếp vị trí thứ 02/63 tỉnh, TP.