Theo tìm hiểu, bến bãi vật liệu xây dựng của ông Hảo vốn được gia đình mua lại từ đất 03 của người dân trong xã và có nằm trong diện quy hoạch của TP Hải Dương. Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm, bến bãi này vẫn chưa hề được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh. Chưa hết, ngoài việc hoạt động trái phép, chủ bến còn cho một đơn vị khác thuê một phần diện tích bến bãi để tập kết, lắp ráp máy móc, dây chuyền nghiền than.
Người dân sống gần bến bãi cho biết, tại đây, hàng ngày phương tiện xe ô tô chuyên chở cát, đá, sỏi và than thường xuyên ra vào. Nhiều phương tiện xe còn có dấu hiệu cơi nới thành thùng hoặc chở vượt thành thùng, làm rơi vãi vật liệu trên đường. Ngày nắng gây ra bụi mù mịt, ngày mưa đường dính nham nháp than, đá… tình trạng này diễn ra nhiều năm, người dân cũng có phản ánh nhưng chủ bến vẫn chưa khắc phục.
“Hiện nay, dù đang trong thời điểm mùa mưa bão, tỉnh đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hoạt động bến bãi nhưng bến bãi của ông Hảo vẫn có tàu thuyền chở cát, đá vận chuyển, tập kết thường xuyên. Bãi than họ cho thuê cũng hoạt động không ngừng nghỉ”, một người dân cho biết.
Được biết, mới đây, vào ngày 10/9/2018, bến bãi của ông Nguyễn Văn Hảo đã bị Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: để vật liệu ở bãi sông phía bờ tả sông Thái Bình, tương ứng K30+078 đến K30+177 đê tả Thái Bình thuộc địa phận xã Nam Đồng, TP Hải Dương mà không có Quyết định cho phép của UBND tỉnh Hải Dương.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định trên, ông Hảo phải giải tỏa toàn bộ khối lượng vật liệu ở trên bãi sông. Nếu quá thời hạn mà ông Hảo không nghiêm chỉnh chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, dù đã sắp hết thời gian yêu cầu giải tỏa nhưng mọi hoạt động trên bến bãi của ông Hảo vẫn diễn ra bình thường, vật liệu cát, đá, than vẫn chất đống ngổn ngang, bừa bãi trên bãi sông.
Không riêng gì bến bãi của ông Nguyễn Văn Hảo, một bến bãi khác nằm ở vị trí sát dưới chân cầu sắt Phú Lương cũ (thuộc phường Nhị Châu, TP Hải Dương) cũng đang ngày ngày hoạt động công khai, “thách thức” chính quyền. Thông tin từ người dân cung cấp, khu vực này trước đây vốn là nơi hoạt động của những lò gạch thủ công.
Nhưng từ ngày UBND tỉnh Hải Dương tiến hành chủ trương, chỉ đạo xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, khu vực này được người dân tận dụng để làm bến bãi tập kết vật liệu và sản xuất gạch không nung. Đáng lo ngại, vị trí bến bãi tập kết này nằm sát chân cầu sắt Phú Lương cũ.
Cây cầu này vốn đã rất cũ, bị xuống cấp trầm trọng, đường đi lại chật hẹp, việc bến bãi hoạt động ngay sát dưới chân cầu phần nào đã uy hiếp đến sự an toàn của cây cầu, gia tăng nhiều nguy cơ, rủi ro về an toàn giao thông cho người qua lại nhưng đến nay các cơ quan chức năng TP Hải Dương chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Một cán bộ Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương cho biết, bến bãi này là của bà Đỗ Thị Tuyết không hề có trong quy hoạch bến bãi của TP Hải Dương, không hề có giấy phép hoạt động và còn có dấu hiệu vi phạm vào hành lang an toàn cầu. Nhiều lần lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu bà Tuyết phải giải tỏa, thu dọn vật liệu trên bãi nhưng bà Tuyết vẫn chưa chấp hành.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch UBND phường Nhị Châu cho biết, phường đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, đồng thời ra 02 Thông báo yêu cầu bà Đỗ Thị Tuyết nghiêm túc thực hiện: ngừng ngay việc tập kết vật liệu xây dựng; thu dọn toàn bộ vật liệu, máy móc và trả lại mặt bằng cho UBND phường quản lý xong trước ngày 15/9/2018.
Sau ngày 15/9 nếu bà Tuyết vẫn cố tình không chấp hành thực hiện thông báo và trả lại mặt bằng, UBND phường sẽ phối hợp với các cấp chức năng tổ chức cưỡng chế xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay dù đã quá mấy ngày nhưng bến bãi của bà Tuyết vẫn hoạt động như thường.
Được biết, TP Hải Dương hiện nay có khoảng 30 bến bãi vật liệu đang hoạt động. Đa số các bến bãi này đều thiếu thủ tục về đất đai cũng như giấy phép hoạt động nhưng ở một số phường, chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ” để doanh nghiệp tồn tại. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự thỏa thuận ngầm giữa chủ doanh nghiệp và chính quyền địa phương?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.