Tình tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, TP Bạc Liêu nói riêng, hàng loạt nông, thuỷ sản của tỉnh cũng bắt đầu gặp khó khăn tìm mối để tiêu thụ. Hàng trăm tấn nông, thuỷ sản của bà con Bạc Liêu đứng trước nguy cơ khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở khâu vận chuyển hàng hoá.
Trước đó, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương bị phong toả để phòng, chống dịch COVID-19, khiến người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
Các tổ chức đoàn thể giúp nông dân thu hoạch rau màu và tiêu thụ (xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu). |
Trước tình thế đó, từ ngày 23/8- 5/9, UBND TP Bạc Liêu đã vận động cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia giúp nông dân các xã vùng ven tiêu thụ nông sản và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng giúp dân.
Theo thống kê của UBND TP Bạc Liêu, trong tháng 8 và tháng 9, thành phố đã vận động tiêu thụ nông, thuỷ sản giúp dân tổng cộng 314 tấn rau củ quả và 57 tấn tôm (ước tính giá trị hơn 6.5 tỷ đồng). Trong đó, đoàn viên thanh niên phối hợp giúp dân tiêu thụ (10,2 tấn nhãn xuồng, 3,5 tấn hành lá, 200kg ếch thương phẩm và 25 tấn rau củ các loại.
Có thể nói, một trong những bài học kinh nghiệm thể hiện tính chủ động của TP Bạc Liêu trong ứng phó với dịch COVID-19 chính là xây dựng các kịch bản ứng phó nhằm hỗ trợ người dân tốt hơn và thiết thực hơn trong công tác phòng, chống dịch và giúp người dân tiêu thụ nông, thuỷ sản an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, UBND TP Bạc Liêu còn hỗ trợ người dân vùng dịch, hộ có hoàn cảnh khó khăn, UBND thành phố Bạc Liêu tăng cường vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ cung cấp các nguồn thực phẩm thiết yêu cho người dân trong vùng dịch hơn 85 tấn rau củ quả, 555kg gạo và 5.762 phần quà, tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó đoàn viên thanh niên vận động 3.500 phần nhu yếu phẩm tặng cho người dân khó khăn trong vùng dịch.
Ban Chỉ huy quân sự thành phố Bạc Liêu trao nhu yếu phẩm cho lực lượng dân quân Thường trực phường 1 (TP Bạc Liêu). |
Đồng thời, UBND TP Bạc Liệu hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Đến thời điểm này đã thực hiện hỗ trợ cho 8.654 người với số tiền hơn 17 tỷ đồng, hỗ trợ cho 153 hộ kinh doanh với số tiền 459 triệu đồng và 193 người bán vé số dạo với số tiền hơn 259 triệu đồng. Thông qua đó, việc chi hỗ trợ cho người lao động nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Lê Kim Thúy, cho biết: UBND TP Bạc Liêu đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành có liên quan, UBND các phường, xã thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, người có công, Bảo trợ xã hội, lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19.
Thành phố Bạc Liêu tăng cường vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo địa bàn TP Bạc Liêu. |
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Bạc Liêu luôn đồng hành cùng các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch; tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như các quy định trong phòng, chống dịch. Tổ chức phát động và vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ về tài chính và vật chất cho công tác phòng, chống dịch, với số tiền trên 500 triệu đồng.
“Thời gian qua, nhằm kịp thời chi hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, những trường hợp khó khăn khác được TP Bạc Liêu tích cực huy động từ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ kịp thời, kiên quyết không để bất cứ người dân nào thiếu ăn do dịch COVID-19” - Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Lê Kim Thúy nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP, các kịch bản trên đã phát huy tác dụng và tác động tích cực đến phát triển sản xuất, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc giúp nông dân thu hoạch rau màu, nhãn xuồng và hình thành nên các kênh tiêu thụ thông qua bán hàng trên các trang mạng.
Không chỉ thế, việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó đã thể hiện tinh thần “sống chung” trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không bị động, hoang mang trong ứng phó, nhằm tránh những thiệt hại, tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra./.