Tổng thống sai lầm, tướng dưới quyền uất ức tự sát

Những đám đốt phá trong cuộc tháo chạy
Những đám đốt phá trong cuộc tháo chạy
(PLO)  Ngày 29/4/1975, hơn một tháng sau cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên, tướng VNCH Phạm Văn Phú, người trên danh nghĩa chịu trách nhiệm về cuộc hành quân này, đã tự sát bằng thuốc độc. Theo đánh giá của nhiều người, trách nhiệm lẽ ra của Nguyễn Văn Thiệu, nhưng vì phải “lãnh đạn” thay, nên viên tướng này mới uất ức tự tìm đến cái chết. 

Lời “kết tội” của Sài Gòn với tướng Phú 

Tác giả Piere Darcourt, đã ghi lại nhận định của các tướng tá Sài Gòn về cuộc triệt thoái bi thảm như sau:

“Đại tá Khôi, phụ tá Trưởng phòng Tình báo của Vùng 3, tiếp tôi lúc 9h sáng tại Bộ Tổng tham mưu, xung quanh tua tủa những dây trời và xe thiết giáp.

Khôi nói với tôi:

“…Tổng thống Thiệu muốn giữ Ban Mê Thuột để không làm xuống tinh thần. Ngày 13/3, được thông báo là toàn thể tỉnh ấy đã bị Quân Giải phóng (QGP) kiểm soát, Thiệu một mình ra quyết định rút khỏi cao nguyên.

Từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã soạn sẵn một kế hoạch, được cố vấn Mỹ tán thành, để rút các đơn vị VNCH về vùng bờ biển và về phía nam VNCH trong trường hợp bị QGP tấn công ồ ạt. Rút như thế sẽ làm được tuyến phòng thủ và tiếp tế được bằng đường biển”.

Ngày 13/3, tướng Trưởng, Tư lệnh vùng 1 đáp máy bay về Sài Gòn gặp Tổng thống Thiệu. Tổng thống ra lệnh cho tướng Trưởng rút khỏi Quảng Trị và nếu cần, rút khỏi cả Huế nữa để lập kháng điểm tại Đà Nẵng vì nơi đó có sân bay rộng, nhiều lương thực, nhiều đạn. Trưởng đồng ý về nguyên tắc ấy, nhưng lại nói thêm là sẽ làm mọi thứ để bảo vệ Huế.

Binh sĩ Sài Gòn mệt mỏi trong suốt cuộc rút quân
Binh sĩ Sài Gòn mệt mỏi trong suốt cuộc rút quân 

Ngày 14/3, Tổng thống Thiệu đến Cam Ranh để mở cuộc họp mật. Năm viên tướng có mặt là Khiêm (thủ tướng), Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng, Đặng Văn Quang, cố vấn quân sự của Tổng thống, Phạm Văn Phú, Tư lệnh cao nguyên. Trong cuộc họp đó, , những người có mặt quyết định là sẽ bỏ thêm hai tỉnh nữa là Pleiku và Kontum.

Kế hoạch dự trù sẽ gom quân lại ở bờ biển, rồi mở cuộc tái chiếm Ban Mê Thuột. Thời điểm để rút khỏi Pleiku và Kontum không được ấn định chính xác…”.

Khôi bỗng ngừng lại, xoa hai tay vào nhau và tiếp tục với lối nói làm ra vẻ kiểu cách: “Cái thời điểm sau chót này có một tầm quan trọng trong lịch sử. Bốn trong các viên tướng hiện diện nghĩ rằng cuộc triệt thoái phải diễn ra dần dần, và phải hoàn tất vào cuối tháng Ba. Người thứ năm là tướng Phú, một người xuất thân từ lính, có một quá khứ lẫy lừng về binh nghiệp.

Ông ta có trách nhiệm thi hành triệt thoái. Ông ấy là tư lệnh sư đoàn thì giỏi, nhưng lại là tư lệnh tồi cấp quân đoàn. Kém sức khỏe vì đau yếu quá lâu, ông ta vừa không sẵn sàng, vừa không có khả năng để chỉ huy một cuộc rút quân lớn lao như thế, nghĩa là một trong những cuộc điều động quân sự khó nhất của nghệ thuật chiến tranh”.

Tôi chăm chú quan sát Khôi. Bỗng nhiên, tôi có cảm giác khó chịu là anh ta đang cho tôi nghe một bài “diễn văn” soạn trước kỹ lưỡng. Tôi không muốn ngắt lời ông ta. Tôi phải nghe cái trò biểu diễn ấy cho đến hết.

 “…Khi trở lại Pleiku vào buổi tối ngày 14, không hiểu sao tướng Phú lại ra lệnh cho cấp dưới thực hiện cuộc rút lui vào sáng hôm sau. Lúc bình minh ngày 15, binh đội và dân chúng Pleiku và Kontum vội vã bỏ hai nơi đó, để lại số vật liệu đáng giá hàng chục triệu Mỹ kim.

Hai đoàn người theo lộ 19 rồi sang đường số 7B, đường này rất xấu, đi vào rừng rậm, mọi cây cầu đều bị phá. Những xe nặng dẫn đầu đã biến những chỗ lội thành vũng lầy, làm cho các xe đi sau sa lầy, dừng lại và đụng nhau. Những đơn vị hoặc đi ở bên, hoặc đi trước thì lọt vào một cuộc phục kích ghê gớm của QGP. Sự rối loạn từ đó mà ra…”.

- Thế còn Huế thì có gì xảy ra?

 -Tin thảm họa tại đường số 7B lan ra rất mau. Sợ bị hoàn toàn cô lập ở phía Bắc, tướng Trưởng đã quyết định bỏ Huế. Nhưng vì vừa loan báo trên đài phát thanh là sẽ bảo vệ Huế nên Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Trưởng trở lại Huế.

Binh đội đang di chuyển có hàng ngũ sắp tới Đà Nẵng thì phải trở lại. Họ bất hạnh đụng đầu với hơn người đi ngược chiều, xô lấn khiến cho binh đội không di động được nữa. Sư đoàn 1 bộ binh, sư đoàn giỏi bậc nhất của quân lực VNCH, tan rã trong cái đám hỗn quân đó. Huế đã thật sự thất thủ. Và không thể bảo vệ Đà Nẵng được nữa”.  

Lực lượng địa phương quân bị bỏ lại
Lực lượng địa phương quân bị bỏ lại

Đại tá Khôi đứng dậy và đi quanh chiếc bàn để cho tôi hiểu là cuộc gặp gỡ đã chấm dứt. Tôi chắc là các tin tức ông ta cho tôi đúng một phần, nhưng không phải là tất cả sự thật. Tôi định nói nhưng tôi biết ông ta không ra khỏi cái lối trình bày kiểu cách mà ông ta vừa tặng tôi. Tôi đành hỏi:

 - Ông có biết là tôi có thể gặp tướng Phú tại đâu không?

Mặt viên đại tá đanh lại và câu trả lời khô khan của ông ta làm tôi kinh ngạc:

-Tướng Phú bị phạt và không thể tiếp một ai.

Tôi từ biệt đại tá Khôi. Trước khi đi, tôi nhờ viên sĩ quan báo chí giúp tôi dàn xếp một cái hẹn với tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cú điện thoại, nhiều cú gọi vô tuyến. Vì ông ta sẽ đi ngang Mỹ Tho nên tướng Nam chịu cho tôi gặp vào lúc 15h.

Thông tin bất ngờ từ tướng Nguyễn Khoa Nam

Câu chuyện với đại tá Khôi làm trí óc tôi suy nghĩ nhiều. Cái hình ảnh tướng Phú “già nua” dù mới 47 tuổi, mệt mỏi, không còn đủ sáng suốt để phối hợp một cuộc điều binh có thể không đúng với sự thật. Tuy tôi không gặp ông ta đã sáu tháng nay, nhưng tôi biết ông ta từ 23 năm, từ khi ông ta tốt nghiệp trường sỹ quan Thủ Đức.

Tôi biết rằng ông ta chỉ còn có một lá phổi, nhưng con người gầy còm 49 tuổi đó có một sự chịu đựng sắt thép. Nghiêm khắc với binh lính, và nghiêm khắc với chính mình nữa, dai dẳng, ưa giao tranh và là một chiến thuật gia giỏi, đó là một sĩ quan chuyên về thế công.

Trong quá khứ, các phương pháp chỉ huy của ông ta rất cứng rắn. Cấp dưới nào không tuân theo kỷ luật của ông ta là bị trói chặt tay chân và ném vào hàng rào kẽm gai. Ông ta đã dự những trận dữ dội nhất của cuộc chiến.

Tháng 5/1972, trong trận đánh vào Huế, ông ta đưa tôi và đại tá Dickinson đi trực thăng bay trên không phận của QGP để thị sát. Lúc tìm cách đáp xuống một ngọn đồi đang bị bao vây, trực thăng của chúng tôi trúng một viên đạn đại bác 75 ly bắn trực xạ, làm văng nửa trước của máy bay, và cắt đứt một bộ phận đáp xuống.

Nhờ một phép lạ, máy bay lại cất cánh được và ông ta bắt phi công phải bay trở lại trên vị trí kia. Ông ta nói: “Tôi muốn mọi người biết rằng tôi vẫn còn sống.”

Tôi nhớ lại tất cả những điều đó và không thể nào tin rằng ông ta lại xuống tinh thần và đưa ra một cuộc rút hỗn loạn tại cao nguyên, đưa tới thảm họa như vậy. Tại vì tôi biết ông ta quá nhiều và vì ông ta là bạn của tôi, hay là vì tôi cũng từng là lính nhảy dù như ông ta nên phán xét lầm lạc? Tôi vẫn không tin. Lát nữa đây, tôi sẽ biết rõ khi nói chuyện với tướng Nam, cũng lại là một người bạn lâu năm của tôi…

Tháo chạy bằng mọi loại phương tiện
Tháo chạy bằng mọi loại phương tiện

Tướng Nam tiếp tôi tại văn phòng của viên tỉnh trưởng. Ông ta nắm tay tôi, lắc mạnh, 48 tuổi, màu da sạm nắng. Còn độc thân (và đó là điều bảo đảm cho sự lương thiện của ông ta tại một xứ mà những người vợ thường dùng địa vị của chồng để kiếm chác), ông ta chỉ cảm thấy thoải mái khi sống với những người lính của ông ta.

Trong tiếng cười giòn rã, ông ta bảo tôi:

 - Thế nào, anh tìm tôi để biết những gì mà những tên khốn nạn kia của Bộ Tổng tham mưu không muốn cho anh biết, phải không?

- Sau tai họa ở miền Trung thì quân lực VNCH còn được những gì?

- Bảy sư đoàn đầy đủ quân số. Sáu sư đoàn bộ binh, một sư đoàn dù, hai lữ đoàn thiết giáp và nhiều liên đoàn biệt động quân (BĐQ). Hai lữ đoàn thủy quân lục chiến (TQLC) và hai sư đoàn khác, sư đoàn 2 và 4, đang được tái lập bằng những thành phần còn lại của những đơn vị rút từ miền Trung về. 

- Anh làm thế nào giải thích được sự sụp đổ ở miền Trung?

Nam đập nắm tay lên thành ghế và giận dữ gầm lên:

- Có nhiều lý do. Nhưng trước hết, và trên hết chính là thằng khốn nạn Thiệu.

- Tại Bộ tham mưu, đại tá Khôi bảo tôi rằng kẻ chịu trách nhiệm là tướng Phú…

- Bậy. Anh biết Phú cũng như tôi. Ông ấy không phải là thứ chỉ huy bỏ nguyên vẹn chiến và bỏ cả một thành phố. Trước khi nói tới trách nhiệm chỉ huy và những sai lầm chính trị, hãy nói tới một vài điều chính xác kỹ thuật, người ta chờ đợi cuộc tấn công của cộng sản ở vùng cao nguyên từ nhiều tuần rồi.

Vì thiếu tin tình báo về sự chuyển quân của đối phương trong rừng rậm, Phú có lý để tin rằng QGP sẽ nhắm vào Kontum và Pleiku nên ông ta tập trung quân vào hai tỉnh đó. Nhưng QGP đánh vào Ban Mê Thuột.

Phản ứng đầu tiên của Phú là phản công. Thế rồi, bất ngờ, do lệnh từ Sài Gòn, các đơn vị phải rút khỏi thị xã. QGP vây chặt và đè bẹp luôn Kontum, Pleiku. 

Vì cũng là bản doanh một sư đoàn không quân nên Pleiku không thiếu lương thực và đạn dược. Phú nhất định chống cự. Thế mà ngày 14/3, Thiệu lại gọi ông ta tới Cam Ranh rồi ra lệnh cho ông ta phải rút. Bây giờ thì chúng ta biết rằng cuộc bàn cãi ấy rất gay go. Phú không chịu thi hành lệnh của ông Thiệu.

Ông ta bảo Thiệu: “Tổng thống nên tìm một người khác để điều khiển cuộc chạy trốn này”. Ông ta ném khẩu súng lục lên bàn rồi đi ra, đóng cửa lại rất mạnh. Sau đó, ông ta về Nha Trang khai nằm nhà thương. Khai bệnh chẳng có gì khó, vì anh ta biết rằng ông ta có phổi không tốt.

- Thế mà đại tá Khôi lại xác nhận với tôi rằng tướng Phú trở lại Pleiku và ra lệnh rút lui những giờ sau đó…

 - Đó là lời của chính quyền. Tôi gặp Phú ngày hôm kia ở Sài Gòn, và ông ta xác nhận rằng chưa bao giờ ra lệnh rút lui.  

- Vậy thì kẻ nào đã ra lệnh rút lui?

- Chính Thiệu. Sau khi Phú không chịu thi hành lệnh, Thiệu đã dùng vô tuyến báo động cho viên phụ tá của Phú là một sĩ quan biệt động quân, đại tá Tất, và thúc giục hắn nhận quyền tư lệnh vùng. Được Tổng thống tiếp xúc trực tiếp, tên Tất sướng quá, vội vàng riu ríu vâng lời và lập tức cho lệnh rút, chẳng cần phá hủy các đồ còn lại. Hắn đã để lại sáu tháng lương thực, một nửa số đại bác, và trầm trọng hơn nữa là chừng bốn chục máy bay và trực thăng còn nguyên vẹn. 

 

Thiệu đã mắc cái lỗi dùng lầm người không thể chối cãi khi hắn chọn Tất. Tôi biết rõ Tất. Hắn là một sĩ quan có can đảm, một chuyên viên về chiến tranh di động, đột kích và biệt kích. Nhưng sự huấn luyện của hắn lại không hề chuẩn bị để hắn có thể điều khiển một cuộc triệt thoái khó khăn và quan trọng như thế. 

Nam vươn cái thân hình to lớn và đi đi  lại lại trong phòng. Sau vài phút im lặng, ông ta lại ngồi và nói tiếp:

- Thiệu bị ám ảnh về cái ý nghĩ bị người Mỹ bỏ rơi. Tôi tin chắc rằng hắn đã muốn bất ngờ bi thảm hóa tình hình, hy vọng rằng Tổng thống Ford sẽ phái những máy bay phóng pháo tới, nếu tình hình vượt qua một mức độ nào đó. Nhưng tính toán của Thiệu đã sai.  

Tới đây thì Nam nắm tay tôi và hỏi thêm:

- Chúng tôi theo Thiệu đã được mười năm. Nhưng bây giờ thì hắn đã mất sự tin cậy của chúng tôi. Hắn sống thu mình lại trong dinh của hắn và lấy những quyết định mà chẳng cần tham khảo ai. Hắn chỉ nghe tên Quang, cố vấn quân sự của hắn, chỉ biết nịnh hót và không dám làm trái ý của Thiệu. Tôi không tin là Thiệu còn có thể cố ngoi lên trên các biến chuyển. Các tướng lãnh thì căm hờn và quân đội thì bị nhục nhã.

- Các anh sẽ làm gì? Lật đổ hắn chăng?

Tướng Nam cười chua chát:

- Dẫu sao thì cũng không có tôi trong cái trò ấy. Chính trị là chuyện nhơ bẩn, tôi không muốn ngụp lặn trong đó.

Khi từ quân đến tướng đều mệt mỏi, mất tinh thần…

Theo những tài liệu của tác giả Piere Darcourt như đã nêu trên, Thiệu mới chính là người trực tiếp “điều hành” cuộc hành quân. Tuy nhiên các nhân chứng trong tài liệu đó đều đã qua đời (tướng Nam tự sát sau tướng Phú một ngày - NV), nên rất khó có thể kiểm chứng.

Nguyễn Văn Thiệu bị cho là nguyên nhân của cuộc “triệt thoái” bi thảm
Nguyễn Văn Thiệu bị cho là nguyên nhân của cuộc “triệt thoái” bi thảm

Tuy nhiên có một sự thật bất biến, đó là do sự điều hành tồi của tướng lãnh và Thiệu, nên cuộc rút quân này đã mang đến thiệt hại nặng nề cho quân Sài Gòn. Xin giới thiệu nhận định của hai tác giả Denis Warner và David Butler để kết lại loạt bài này:

“Tại cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14/3/1975, cả Thiệu cũng như Cao Văn Viên đều không ai bận tâm cho tướng Phú các chỉ thị rõ rệt làm thế nào thi hành cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Muốn có hy vọng thành công thì cuộc triệt thoái này phải được thiết kế tỉ mỉ để bộ phận đoạn cuối có thể trì hoãn chiến một cách hữu hiệu, có thể lo cho các thường dân, và có thể mang theo được khí giới và đồ trang bị.

Lúc ấy, vẫn chưa có áp lực của QGP tại Pleiku. Vẫn còn đủ thời gian. Nhưng tướng Phú đã phản ứng như thế là mọi sự đã tuyệt vọng, và khi phản ứng như thế thì ông ta đã làm cho tình thế tồi tệ thêm để đi tới mất hết.

Thiệu vừa mới trở lại Sài Gòn thì tướng Phú đã họp bộ tham mưu của ông ta, và cho họ biết là phải rút ngay khỏi cao nguyên. Lời loan báo ấy gây ra một sự kinh hoàng não nề. Thế rồi còn nhiều chấn động khác nữa.

Khi một sĩ quan trong bộ tham mưu hỏi có thông báo cho các tỉnh trưởng, cho địa phương quân và dân chúng biết không thì tướng Phú đáp lại: “Theo lệnh của tổng thống, phải để địa phương quân ở lại, và không được thông báo cho các tỉnh trưởng biết. Cứ để họ ở lại. Hãy để cho họ trở về rừng núi”.

Khi tướng Phú tiếp tục họp và nói rằng cuộc rút sẽ diễn ra theo lộ số 7 là con đường Pleiku - Phú Bổn bỏ hoang đã từ lâu, thì đã thấy sự bối rối hiện ra. Tướng Cẩm nói rằng: “Chúng tôi không hiểu điều gì đã đưa tới cái quyết định điên rồ này”. Tướng Cẩm lại còn ngơ ngác hơn nữa khi tướng Phú nói phải rút ngay vào ngày hôm sau, và phải rút xong trong vòng ba ngày.

Thiệu đọc diễn văn từ chức ngày 21/4/1975
Thiệu đọc diễn văn từ chức ngày 21/4/1975

Vậy thì một cuộc hành quân theo lẽ phải được thiết kế lâu dài và thi hành thận trọng thì đã được quyết định vội vàng mà chẳng hề có sự quan tâm đến hậu quả, không có thám sát địa thế, và không có quan tâm đến phản ứng của đối phương.

Phú cùng với phần lớn bộ tham mưu dùng máy bay rời về Nha Trang để lập một bản doanh tiền phương rồi từ đó lập kế hoạch trở lại Ban Mê Thuột, và để tướng Cẩm lo việc rút lui. Các lực lượng của ông ta được tổ chức thành ba đoàn. Đoàn thứ nhất gồm ba liên đoàn, một trung đoàn thiết giáp và một liên đoàn công binh, nhiệm vụ tái thiết con đường đưa tới Tuy Hòa ở bờ biển.

Đoàn thứ hai gồm có phần lớn bộ tham mưu quân đoàn 2, các tiểu đoàn pháo binh, trung đoàn 21 thiết giáp cùng với chiến xa M48, hai đại đội cơ giới hóa và bộ binh của sư đoàn 23. Đoàn thứ ba lo giữ đoạn hậu, gồm có ba liên đoàn, một trung đoàn thiết giáp và pháo binh yểm trợ.

Tại sao tướng Cẩm và phần còn lại của bộ tham mưu quân đoàn không phản đối cái đường lối quân sự vội vàng và chẳng quân sự chút nào đó, có lẽ họ mệt mỏi, mất tinh thần và có lẽ không được sáng suốt.

Quyết định kỳ quặc rút không thèm thông báo cho địa phương quân là quyết định không những phản trắc mà còn gây ra kinh hoàng và đưa tới sự nổi loạn nữa. Ai nấy đều cuống cuồng chuẩn bị ra đi. Các binh sĩ được lệnh bắt đầu triệt thoái, người thì bỏ đơn vị đi tìm thân nhân để yên trí rằng thân nhân họ cũng ra đi. Kết quả là mạnh ai lo cho người nấy.

Lệnh ban ra là phải phá hủy các kho đạn dược và kho xăng. Người chủ nhà vừa đi khỏi thì bọn bất lương đã nhào tới để cướp đồ đạc. Thường thì khi lấy đồ đạc xong, chúng đốt luôn nhà mà chúng vừa cướp. Vì cảnh sát đã liệng bỏ đồng phục để theo đoàn người cho nên không còn trật tự và luật pháp gì nữa. Tất cả các nhà thương, dân sự cũng như quân sự, đều ngưng hoạt động. Các y sĩ đã bỏ lại nhiều bệnh nhân, và những bệnh nhân này có nhiều người không thể cử động được”.

Trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc tháo chạy khác không kém phần sai sót của quân VNCH là cuộc rút quân khỏi Huế đầu năm 1975, mời bạn đọc kỳ sau.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.