Tuyên bố của điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với nhau ngày 2/12 theo yêu cầu của Berlin. Tổng thống Putin đã giải thích lý do đằng sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khẳng định chính sách cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine của phương Tây "sẽ gây ra sự phá hủy".
Lính cứu hỏa Ukraine chữa cháy tại một cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy trong cuộc không kích tên lửa ở khu vực Rivne. Ảnh: AFP
"Cân phải nhắc lại rằng Lực lượng Vũ trang Nga đã từ chối tiến hành các cuộc tấn công tên lửa chính xác vào một số mục tiêu nhất định ở Ukraine trong thời gian dài nhưng hiện nay những biện pháp trên là cần thiết và không thể tránh khỏi để phản ứng trước các cuộc tấn công khiêu khích của Kiev nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có cầu Crimea và các cơ sở năng lượng", điện Kremlin cho hay.
Tổng thống Putin cũng nhận định với nhà lãnh đạo Đức rằng "các cuộc tấn công khủng bố" vào đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới biển "cũng có hình thức tương tự" và yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch, trong đó có cả sự tham gia của Nga, Tổng thống Putin nhận định với nhà lãnh đạo Đức.
Văn phòng của Thủ tướng Scholz cho biết cuộc điện đàm trên kéo dài 1 tiếng đồng hồ và "Thủ tướng Đức đã chỉ trích các cuộc không kích của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine cũng như nhấn mạnh quyết tâm của Đức trong việc hỗ trợ cho Kiev".
Nga đã thay đổi chiến thuật quân sự ở Ukraine chỉ vài ngày sau vụ nổ bom xe phá hủy một phần cầu Crimea đầu tháng 10. Các nhà điều tra Nga cáo buộc cơ quan tình báo quân sự Ukraine đứng sau vụ tấn công này.
Để đáp trả, quân đội Nga bắt đầu nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, những nơi mà Bộ Quốc phòng Nga tin rằng có vai trò quan trọng với hậu cần của Kiev. Các cuộc tấn công này buộc các nhà chức trách Ukraine phải ban hành quyết định cắt điện luân phiên.
Trong khi đó, các vụ nổ gây tổn thất cho đường ống Dòng chảy phương Bắc cũng xảy ra vào cuối tháng 9. Moscow nhận định bên hưởng lợi rõ ràng nhất trong vụ phá hoại này là Mỹ, quốc gia từ lâu đã gây sức ép với Berlin để giảm trao đổi thương mại về năng lượng với Nga và thay thế năng lượng Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ hơn do các công ty Mỹ sản xuất.