Trả lời phỏng vấn trên kênh France-2 truyền hình Pháp tối 12-7, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tự bảo vệ mình trước những cáo buộc chống lại ông trong vụ bê bối đe dọa đến uy tín của Chính phủ. Nhà lãnh đạo này bác bỏ các thông tin cho rằng, người phụ nữ giàu nhất nước Pháp Liliane Bettencourt đã tài trợ bất hợp pháp 150.000 euro (189.241 USD) cho chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2007.
Tổng thống Nicolas Sarkozy (trái) bảo vệ Bộ trưởng Lao động Eric Woerth trong vụ bê bối quỹ tranh cử. (Ảnh: EPA) |
“Pháp không phải là một đất nước tham nhũng”, Tổng thống Sarkozy khẳng định. Ông còn nói thêm: “Giai cấp chính trị, như cánh tả và cánh hữu, thật sự trong sạch”. Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Sarkozy gọi các cáo buộc chống lại ông là sự dối trá và vu khống. Ông cũng chỉ trích phe đối lập và giới truyền thông đã cố tình làm trật bánh kế hoạch cải cách tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Tổng thống còn đồng thời bày tỏ lòng tin đối với Bộ trưởng Lao động Eric Woerth - người trực tiếp hứng chịu những chỉ trích vì bê bối quỹ tranh cử.
Người đứng đầu Điện Elysée cho biết, sẽ không cách chức ông Woerth và mô tả Bộ trưởng Lao động là nhà lãnh đạo trung thực, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Ông nói rằng sẽ khuyên Woerth rút khỏi chức thủ quỹ đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) để chuyên tâm cho kế hoạch cải cách hưu trí. Nhưng Tổng thống Sarkozy khẳng định, ông Woerth sẽ ở lại cương vị để thực hiện việc cải cách này nếu kế hoạch được nội các thông qua vào ngày 13-7 và được Quốc hội bỏ phiếu tán thành vào tháng 9 tới.
Theo Tân Hoa Xã, Tổng thống Sarkozy đã lý giải rằng, việc cải tổ nội các, cải cách hưu trí và tăng trưởng kinh tế là các biện pháp để cứu đất nước trong những đe dọa khủng hoảng nợ công như tình trạng Hy Lạp. Theo đó, cải tổ nội các sẽ được thực hiện vào tháng 10 tới, tức sau cải cách lương hưu.
Vụ scandal lần này bắt nguồn từ một kế toán cũ của người phụ nữ giàu nhất nước Pháp 87 tuổi Liliane Bettencourt - Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng mỹ phẩm danh tiếng L’oreal - tiết lộ thường tài trợ bằng tiền mặt cho các chính trị gia cánh hữu, trong đó có Tổng thống Sarkozy, trong nhiều năm qua.
Ông Woerth với tư cách thủ quỹ chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy và thủ quỹ UMP năm 2007 bị cho là từng nhận 150.000 euro tiền mặt từ Bettencourt, gấp 20 lần số tiền quy định mà một cá nhân được phép tài trợ cho một chính đảng ở Pháp trong một năm. Ông Woerth còn bị tố cáo đã can thiệp để giúp bà Bettencourt thoát khỏi các cuộc thanh tra tài chính trong thời gian ông làm Bộ trưởng Ngân sách.
Scandal về quỹ tranh cử ồn ào trong 3 tuần qua trên chính trường Pháp đã gây tổn hại đến uy tín của ông Sarkozy. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông hiện chỉ còn 30% - mức thấp nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2007 với cam kết đấu tranh để cải cách chế độ hưu trí. Chính phủ Pháp cũng giống như các quốc gia khác ở châu Âu đang nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng nợ.
Paris cam kết với Ủy ban châu Âu sẽ giảm thâm hụt ngân sách 3% của GDP vào năm 2013 và giảm thâm hụt hiện tại từ 8% xuống còn 6% trong năm 2011. Mặc dù Pháp vẫn là một trong những nước có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nước giàu, nhưng việc cải cách tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 đã khiến 800.000 người biểu tình trên đường phố vào tháng trước.
THIÊN BÌNH