Tổng thống Mỹ lại gặp rắc rối

Ngoại trưởng Nga Lavrov và Tổng thống Mỹ Trump tại phiên họp. Ảnh: NYT
Ngoại trưởng Nga Lavrov và Tổng thống Mỹ Trump tại phiên họp. Ảnh: NYT
(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga trong cuộc họp giữa đôi bên hồi tuần trước, Reuters dẫn tin từ Washington Post ngày 15/5 cho hay.

Theo Reuters, thông tin mà ông Trump được cho là đã cung cấp cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergei Kislyak là các chi tiết về một chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong cuộc gặp ở Phòng Bầu Dục đó, Tổng thống Trump được cho là đã mô tả chi tiết về một mối đe dọa từ IS liên quan tới việc dùng máy tính xách tay trên máy bay.

Vẫn theo nguồn tin này, trong cuộc trao đổi, ông Trump dường như đã khoe khoang hiểu biết về các mối đe dọa đang phát sinh và nói với họ rằng ông được báo cáo từ những nguồn tình báo cừ khôi mỗi ngày. Cuộc họp giữa Tổng thống Trump với ông Lavrov và Kislyak tại Nhà Trắng diễn ra 1 ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey - lãnh đạo cơ quan điều tra về các liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.

Theo CNN, cuộc khủng hoảng mới nhất ở Nhà Trắng thực sự là một vấn đề lớn. Bởi, thứ nhất, việc ông Trump chia sẻ các thông tin xếp vào hàng tuyệt mật về IS với các quan chức Nga có thể khiến nhiều người đặt nghi vấn về việc liệu Tổng thống có hiểu được ý nghĩa của việc thảo luận những bí mật được bảo vệ kỹ lưỡng nhất của Mỹ với đối thủ, và sâu xa hơn là việc liệu có thể tin tưởng được ông Trump sẽ hoàn thành được trách nhiệm nặng nề của mình hay không.

Một trong những quan chức Mỹ cho biết các thông tin mà ông Trump đã tiết lộ đều là những thông tin tuyệt mật, không được chia sẻ với các đồng minh và cũng chỉ một số ít quan chức tình báo Mỹ mới được tiếp cận. Các thông tin đó do một đối tác Mỹ cung cấp, thông qua một thỏa thuận chia sẻ thông tin có tính nhạy cảm cao độ. Theo các quan chức Mỹ, theo luật thì Tổng thống có quyền tiết lộ kể cả các thông tin tối mật nhưng đối tác chia sẻ thông tin cho nước này không cho phép Washington chia sẻ tài liệu đó với Moscow. 

Đặc biệt, động thái trên được cho là diễn ra trong bối cảnh hiện đã có một số nguồn tin nói rằng các cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ do lo ngại về khả năng bảo vệ các bí mật nhạy cảm nhất của chính quyền Mỹ đã tỏ ra dè dặt trong việc chia sẻ thông tin với nước này. Nếu quả thực như vậy, lo ngại của các nước này nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

“Tổng thống với việc chia sẻ các thông tin đó với người Nga đã mất quyền kiểm soát thông tin này bởi thông tin sau đó có thể được chia sẻ với các nước đồng minh của Nga. Khả năng bảo vệ thông tin của ông ấy đã bị suy yếu đáng kể trong mắt mọi người. Nếu một sỹ quan CIA tiết lộ thông tin này với người Nga, ông ta sẽ bị sa thải ngay lập tức”, cựu sỹ quan CIA Bob Baer nhận định. Còn Washington Post dẫn lời một số giới chức không muốn nêu tên cho biết hành động của ông Trump có thể đánh mất sự hợp tác từ một đồng minh có tiếp cận với các hoạt động bên trong của IS. 

Một lý do khác khiến việc ông Trump chia sẻ thông tin với Nga khiến ông gặp chỉ trích mạnh mẽ hơn là việc trong suốt chiến dịch tranh cử ông đã nhiều lần chỉ trích ứng viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton về việc bà dùng email cá nhân trong công việc dù chưa bao giờ có bằng chứng nào cho thấy bà đã tiết lộ thông tin nhạy cảm cho các nước đồng minh và đối thủ của Mỹ. Thế nhưng, đến nay, ông lại cũng hành động tương tự, không những thế còn bị tố tiết lộ tin mật. 

Đảng Cộng hòa cũng bị xáo trộn bởi tình trạng hỗn loạn xảy ra kể từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump, gây trở ngại tới cơ hội sử dụng thế đa số của đảng Cộng hòa ở Quốc hội để thực thi một chương trình nghị sự bảo thủ của họ. “Tôi luôn tự hỏi có ngày nào chúng tôi không gặp phải khủng hoảng không?”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Susan Collins nói.

Với cá nhân ông Trump, tiết lộ mới nhất được đưa ra trong lúc ông chuẩn bị có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Ả rập Xê-út, Israel, Italia và Bỉ. Những chuyến công du như vậy luôn là một thử thách khó khăn với một nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm. Nhưng giờ đây, áp lực với ông Trump thậm chí còn nặng nề hơn khi phải trấn an các nhà lãnh đạo nước ngoài rằng Mỹ dưới sự chỉ huy của ông vẫn là một cường quốc trên thế giới và rằng họ hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng giữ bí mật của các đồng minh của ông.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin – nhân vật số 2 của đảng Dân chủ - nói hành xử của Tổng thống Trump là “nguy hiểm” và “khinh suất” còn Thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cho rằng nếu thật sự có chuyện này thì đây là điều “cực kỳ đáng quan ngại”. Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, người có tham dự cuộc họp giữa Tổng thống Trump với hai quan chức Nga đã bác bỏ thông tin trên. Ông McMaster nói rằng trong cuộc họp, ông Trump và ngoại trưởng Nga đã bàn về những mối đe dọa giữa 2 nước, trong đó có đe dọa hàng không nhưng “không một nguồn tin tình báo hay cách thức tình báo mật nào được đề cập tới trong cuộc gặp”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.