Tổng quan nhất về tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới tính đến sáng 3/5

(PLVN) - Trong lúc nhiều nước bắt đầu nới lỏng, rồi gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch Covid-19, một số nước khác như Pháp hay Nhật quyết định kéo dài lệnh phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lần thứ hai.

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận ít nhất 3.478.970 ca dương tính với virus corona chủng mới và 244.481 trường hợp trong số đó đã tử vong. Song, 1.107.840 bệnh nhân Covid-19, tương đương gần 1/3 tổng số ca bệnh, đã hồi phục sau điều trị.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn, thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Người dân đổ xô đến công viên trung tâm ở New York, Mỹ để tận hưởng ngày nắng đẹp hôm 2/5. Ảnh: Reuters

Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai ở Mỹ

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (1.158.881 người) và tử vong (67.293 người) tính đến sáng sớm ngày 2/5 đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 27.851 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.540 người thiệt mạng vì dịch.

Theo CNN, mặc dù tốc độ lây lan của virus corona chủng mới tại nhiều nơi thuộc Mỹ đang chững lại nhờ các biện pháp giãn cách xã hội nhưng bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia y tế hàng đầu Mỹ và thành viên đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng cảnh báo mọi người không nên chủ quan. Ông Fauci cho rằng, dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ tái bùng phát lần hai khi có thêm nhiều bang nới lỏng hoặc dỡ bỏ sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà và nhanh chóng khôi phục đời sống kinh tế - xã hội bình thường như trước kia.

Hãng tin AP ghi nhận, thời tiết đẹp trên khắp nước Mỹ tuần qua đã khiến hàng nghìn người bất chấp khuyến cáo đổ xô đến các bãi biển hoặc công viên để tắm nắng, giải nhiệt.

Tại bang New York, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo kêu gọi người dân tuân thủ việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Nhà chức trách cũng cử khoảng 1.000 cảnh sát và nhân viên của các công viên nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng chống dịch.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga có thêm 9.623 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, mức tăng cao nhất trong ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 124.054 người. Tổng số ca tử vong vì dịch trên toàn quốc hiện là 1.222 người, tăng 53 trường hợp so với một ngày trước đó.

Theo báo RT, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Nga gần đây có thể một phần do việc tăng xét nghiệm diện rộng ở thủ đô Moscow, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tại quốc gia này. Chỉ trong ngày 2/5, Moscow đã ghi nhận thêm 5.358 ca mắc mới Covid-19.

Thị trưởng Moscow Serge Sobyanin cho biết, thành phố đã tăng gấp đôi công suất của các trung tâm xét nghiệm và tăng xét nghiệm kháng thể lên 10 lần trong tuần qua. Moscow đang cân nhắc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại những khu liên hợp thể thao và trung tâm mua sắm để đối phó với sự gia tăng các bệnh nhân Covid-19.

Nhà chức trách Nga kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội, đồng thời hy vọng các biện pháp xét nghiệm tốt hơn sẽ giúp tăng cường công tác kiểm dịch và cho phép can thiệp y tế sớm với các ca bệnh nghiêm trọng.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn, thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Nhân viên y tế Nga đang lấy mẫu xét nghiệm kháng thểCovid-19. Ảnh: Sputnik

Pháp kéo dài sắc lệnh khẩn cấp y tế đến tháng 7

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 2/5 thông báo, sau một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng, chính phủ nước này nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đã ban hành trên toàn quốc từ tháng Ba, đến tận ngày 24/7 để ngăn chặn dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo BBC, nhà chức trách Pháp vẫn có kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống sự lây lan của virus corona chủng mới sẽ được điều chỉnh theo từng vùng.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lưu ý, "nếu đáp ứng các điều kiện", mọi người sẽ không còn phải xin phép để ra ngoài đường nữa. Song, Thủ tướng Édouard Philippe sẽ có thể "thực hiện các biện pháp bằng nghị định để điều phối hoạt động di chuyển của người dân cũng như việc sử dụng các phương tiện giao thông".

Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Castaner nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải chung sống với virus corona chủng mới trong một thời gian. Học cách chung sống với virus này là điều cần làm trong những tháng tới".

Pháp hiện vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 trên thế giới với hơn 168.000 ca nhiễm Covid-19 và 24.760 trường hợp trong số đó đã tử vong.

Châu Âu thận trọng nới lỏng phong tỏa

Dù châu Âu vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 nhưng nhiều nước trong khu vực đã cho nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong hơn một tuần trở lại đây.

Tại Tây Ban Nha, người lớn hôm 2/5 đã bắt đầu được phép ra ngoài tập thể dục lần đầu tiên trong 7 tuần qua. Trẻ em dưới 14 tuổi đã được quyền làm điều này từ cách đây 1 tuần.

Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố, chính phủ sẽ phân phát miễn phí khoảng 6 triệu khẩu trang, chủ yếu tại các điểm giao thông công cộng và trao thêm 7 triệu khẩu trang cho các địa phương nhằm phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.

Tây Ban Nha hiện là "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 245.567 ca dương tính với virus corona chủng mới và 25.100 trường hợp tử vong.

Ngoài Tây Ban Nha, các biện pháp phong tỏa cũng đang được dỡ bỏ dần dần ở một số nước châu Âu khác, dù quy định giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực. Một số nước cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại các cửa hàng và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới.

Xét về số trường hợp thiệt mạng vì Covid-19, Italia hiện là nước đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới sau Mỹ với 28.710 người, tiếp sau đó là Anh với 28.131 người.

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Italia ghi nhận thêm 474 ca tử vong vì dịch, cao hơn nhiều ngày trước đó và thêm 1.900 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 209.328 người.

Cùng thời gian, Anh có thêm 621 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong và 4.806 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc tính đến sáng 3/5 lên 182.260 người.

Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:

- Bộ Y tế Nhật cho biết sẽ khởi động hệ thống báo cáo Covid-19 trực tuyến từ ngày 10/5 và triển khai trên toàn quốc từ ngày 17/5 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm y tế đang phải vật lộn ứng phó với dịch. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp khoảng một tháng để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch. Hiện đã có 14.305 người ở đất nước mặt trời mọc dương tính với virus corona chủng mới với 455 trường hợp trong số đó đã thiệt mạng.

- Chính phủ Singapore ngày 2/5 đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch, trong đó một số cư dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục từ ngày 5/5; một số dịch vụ như chế biến thực phẩm, vận chuyển thức ăn, đồ uống, giặt là, làm tóc, ...  được phép khôi phục hoạt động từ ngày 12/5. Tất cả các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Tính đến sáng sớm ngày 3/5, Singapore ghi nhận ít nhất 17.548 ca mắc Covid-19 với 17 trường hợp đã tử vong.

- Reuters dẫn lời Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Mario Victor Leonen ngày 2/5 thông báo, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19 trong các các nhà tù đông đúc, không thể thực hiện biện pháp giãn cách, nước này đã cho phóng thích 9.731 tù nhân. Hai nhà tù ở đảo Cebu là những nơi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở quốc gia này, với tổng số ca nhiễm là 349 người trong tổng số hơn 8.000 tù nhân. Tính đến sáng sớm 3/5, Philippines ghi nhận 8.928 ca dương tính với virus corona chủng mới và 603 trường hợp tử vong.

- Theo giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia, nước này đã bắt đầu đưa những người nhập cư bất hợp pháp vào các cơ sở tạm giữ tập trung nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan. Tính đến hết ngày 2/5, nhà chức trách địa phương đã bắt giam hơn 700 người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp trong chiến dịch truy quét tại thủ đô Kuala Lumpur, giữa lúc chính phủ áp lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19. Malaysia hiện đã có 103 trường hợp tử vong trong tổng số 6.176 ca mắc Covid-19.

- Tiến sĩ Maria van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật Chương trình các tình huống y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng chúc mừng Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Trung Quốc vì thành phố hiện không còn ca nhiễm virus corona chủng mới ở tình trạng nặng. Bà Kerkhove cũng ca ngợi các cư dân địa phương đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phong tỏa và cách ly trong gần 3 tháng để dập dịch thành công.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.