Tổng kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan chức năng đồng loạt triển khai tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan chức năng đồng loạt triển khai tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh giao các cơ quan chức năng đồng loạt triển khai tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các dịp lễ lớn như Tết Trung thu, Tết cổ truyền.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong 8 tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ cho các tháng cuối năm.

Tính đến tháng 8 năm 2024, toàn tỉnh hiện có 47.360 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 10.072 cơ sở, và ngành Nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở.

Tuy nhiên, số lượng thực phẩm sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ; 60% còn lại được nhập từ các tỉnh, thành khác cũng như từ nước ngoài.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được 60 vùng trồng được cấp mã số, 322 ha sản xuất an toàn, 1 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô VietGAP, 1 cơ sở nông nghiệp hữu cơ, và 2 trang trại chăn nuôi theo quy mô VietGAHP.

Tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho gần 150 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và đang tiếp tục xây dựng mô hình 13 chợ ATTP tại tất cả 13 địa phương. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đảm bảo triển khai 165 chỉ tiêu kiểm nghiệm ATTP. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc và tích cực các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Toàn tỉnh đã tổ chức 92 hội nghị và tập huấn cho 6.780 lượt người. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra hơn 12.708 lượt cơ sở, tăng hơn 7.962 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất 458 vụ dựa trên thông tin của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng và phát hiện xử phạt 444 trường hợp vi phạm.

Qua công tác kiểm tra và nắm tình hình, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện vi phạm và xử phạt 793 cơ sở (tăng 306 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023), thu nộp ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng, tịch thu và tiêu huỷ trên 30 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP các loại. Đồng thời, tỉnh cũng thông tin công khai các tổ chức và cá nhân bị xử phạt trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các website của Sở Y tế, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) tỉnh.

Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 41 người mắc; giảm 1 vụ và 3 người mắc so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, có 2 vụ với 1 trường hợp tử vong do ăn cá nóc, và không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể lớn cũng như dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu kiên quyết không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người hoặc ngộ độc tập thể với trên 30 người mắc. Nếu để xảy ra ở địa bàn nào, thì UBND địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Phát biểu chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan từ nay tới cuối năm 2024 đồng loạt triển khai tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, bao gồm cả buôn bán online, đặc biệt trong các dịp lễ lớn như Tết Trung thu và Tết cổ truyền. Đồng thời, các cơ quan này cần đẩy mạnh kiểm tra đột xuất và kiểm tra theo kiến nghị, báo cáo của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng về ATTP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn về ATTP tăng cường giám sát mẫu thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, phát hiện và cảnh báo nguy cơ cho các cơ sở từ sớm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc tập thể hoặc ngộ độc đông người mắc.

Các ngành Y tế, Công Thương, và Nông nghiệp cần tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về ATTP, xây dựng bộ tiêu chí ATTP Quảng Ninh và khuyến khích các đơn vị thực hiện theo bộ tiêu chí này. Ngành Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình chợ ATTP, đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phải có ít nhất 13 chợ ATTP tại tất cả các địa bàn trong tỉnh Quảng Ninh.

Ngành Nông nghiệp cũng cần tiếp tục mở rộng các vùng trồng và chăn nuôi an toàn, các chuỗi liên kết sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chéo trong hoạt động nông nghiệp để không xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm trong chăn nuôi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị các lực lượng Quản lý thị trường và Công an tăng cường kiểm tra để không cho phép thực phẩm không đảm bảo ATTP tiêu thụ trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ tới 100% hàng hoá tại các chợ đầu mối như chợ Minh Thành, chợ Hạ Long.

Đồng thời, các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của nhân dân trong sản xuất, chế biến, và kinh doanh thực phẩm; công khai đường dây nóng của ngành mình để nhân dân biết và kịp thời phản ánh; định hướng cho người tiêu dùng chỉ sử dụng các thực phẩm đảm bảo ATTP, chung tay lên án và tẩy chay thực phẩm bẩn.

Các cơ quan chức năng cần đăng tải công khai 100% các cơ sở vi phạm ATTP rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đọc thêm

Những con số biết nói nhằm kiềm chế tai nạn giao thông ở Bạc Liêu

Những con số biết nói nhằm kiềm chế tai nạn giao thông ở Bạc Liêu
(PLVN) -  25 mô hình “Cổng trường An toàn giao thông”; 65 cuộc tuyên truyền với 31.479 lượt học sinh, giáo viên, phụ huynh và người dân tham dự, phát 16.996 tờ rơi, 7.795 học sinh ký cam kết chấp hành quy định về ATGT, 6.420 phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe cho học sinh, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện... đó chỉ là một phần nhỏ trong những con số biết nói về hoạt động nhằm kiềm chế tai nạn giao thông của Công an Bạc Liêu.