Theo ông Bùi Minh Đức - Giám đốc BHXH TP Hải Phòng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), trang thiết bị, hạng mục tại một số trụ sở cơ quan BHXH tại Hải Phòng bị hư hại, như: cây gãy đổ, mái tôn bị tốc, các biển hiệu, đèn led, thiết bị điện, bàn ghế làm việc bị hỏng không còn sử dụng được. Một số hạng mục có nguy cơ gây mất an toàn, nguy hiểm đến con người cần phải khắc phục ngay sau bão… Trong đó, trụ sở có thiệt hại nhiều nhất là: BHXH TP Hải Phòng, BHXH huyện Cát Hải, BHXH huyện Tiên Lãng, BHXH quận Lê Chân…
“Ngay sau bão, BHXH TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp tạm thời khắc phục những hư hại nhỏ, mang tính cấp thiết để đảm bảo hoạt động của cơ quan, phục vụ nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, các đơn vị đang tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại, tập trung đảm bảo thật tốt quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân trên địa bàn. BHXH TP Hải Phòng đã chỉ đạo Giám đốc BHXH các quận, huyện căn cứ tình hình thực tế, chủ động báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành; đảm bảo người dân, người bệnh BHYT được hưởng quyền lợi đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện.
“Hoạt động cơ quan được duy trì, liên tục, kể cả trong thời gian xảy ra sự cố sau bão, dù bị mất điện, mất sóng điện thoại”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP Hải Phòng, ước tính số thiệt hại về cơ sở vật chất (trong đó có khu KCB cho bệnh nhân) khoảng hơn 73,3 tỷ đồng; một số cơ sở thiệt hại nặng như: Bệnh viện Đa khoa Đôn Lương, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện huyện Thủy Nguyên, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Kiến An…
Một số cơ sở KCB bị tốc mái, hư hỏng cơ sở vật chất, sập trần, dột, ảnh hưởng đến kho chứa hồ sơ bệnh án, hỏng phim chụp, sổ ra vào viện (như Bệnh viện Kiến An); kho thuốc bị mưa dột, ngập lụt (tại các trạm y tế xã, phường). Ngoài ra, một số cơ sở khác bị hư hỏng hệ thống CNTT, mất điện, mất mạng internet, nên ảnh hưởng đến việc KCB cho bệnh nhân BHYT và việc đẩy dữ liệu lên Cổng thông tin giám định.
Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, BHXH TP Hải Phòng đã khẩn trương chỉ đạo Phòng Giám định BHYT và BHXH các quận, huyện cử cán bộ trực giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục KCB BHYT như: Thẻ BHYT, giấy chuyển viện… để toàn bộ người bệnh BHYT được KCB kịp thời.
Trường hợp mất điện, không có internet để cập nhật thông tin bệnh nhân lên Hệ thống, thì thực hiện giải quyết trực tiếp (ghi nhận trên hồ sơ, sổ sách, đối chiếu chuyển lên Hệ thống sau khi có mạng theo quy định). Ưu tiên KCB đối với người bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc bị tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng bão, lụt gây ra.
Lãnh đạo BHXH TP Hải Phòng cũng nhấn mạnh, đáng ngại hơn là tình hình thiệt hại và ảnh hưởng của bão đến các đơn vị sử dụng lao động. Theo số liệu tổng hợp, tính đến 12h00 ngày 14/9/2024, có 30.554 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp, 70 trạm biến thế bị hư hại, 3.215 cột điện bị gãy đổ; 1.268 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại…
Đồng thời, việc chậm hoặc chưa khắc phục được đường cấp điện, nước tại một số khu vực đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN và việc làm của NLĐ. Tổng thiệt hại trên địa bàn thành phố dự tính đến thời điểm này (bao gồm tất cả các thiệt hại) là hơn 10.829 tỷ đồng.
Do đó, BHXH TP Hải Phòng đề nghị tạo điều kiện cho các cơ sở KCB BHYT thay thế, gửi hồ sơ bổ sung các trường hợp bệnh nhân do mất điện, không có mạng internet, lỗi trên Cổng tiếp nhận do ảnh hưởng của bão. Tạm hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại đơn vị, DN; tạm hoãn các hội nghị làm việc với các đơn vị chưa tham gia BHXH theo dữ liệu thuế…
Ông Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà và động viên các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại do bão lũ gây ra; đồng thời ghi nhận tinh thần cố gắng khắc phục khó khăn, qua đó nhanh chóng đảm bảo duy trì ổn định trở lại các công việc thường xuyên.
Ủng hộ các đề xuất của BHXH TP Hải Phòng, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các vụ, ban chuyên môn bám sát tình hình thực tiễn tại BHXH TP Hải Phòng nói riêng cũng như các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ nói chung, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh; đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định các công việc chuyên môn theo yêu cầu.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH TP Hải Phòng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các mảng công tác, luôn đảm bảo tốt quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân. Theo sát tình hình doanh nghiệp, nhất là các đơn vị bị ảnh hưởng bởi bão lũ, để có giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các đơn vị nhanh chóng ổn định sản xuất.
“Dù có khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, BHXH TP Hải Phòng phải tiếp tục nêu cao tinh thần quyết liệt, linh hoạt triển khai các giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra với năm 2024” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Trong chuyến công tác, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng đoàn đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện đa khoa Đôn Lương (thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải), một trong những cơ sở KCB bị thiệt hại nặng do cơn bão số 3.
Báo cáo nhanh, ông Nguyễn Văn Huân- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đôn Lương cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH nhanh chóng khắc phục các hạng mục công trình bị hư hại, nhanh chóng ổn định, qua đó, đảm bảo tốt quyền lợi KCB BHYT cho người dân trên địa bàn.
Tại thị trấn Cát Hải, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã thăm hỏi, động viên một số hộ gia đình bị thiệt hại nặng sau bão. Trong đó, có hộ gia đình anh Lê Văn Quân (sinh năm 1970), nhà ở gần biển nên toàn bộ mái nhà bị gió thổi bay và phần lớn tường nhà cũng bị đổ sập.
Theo rà soát nhanh, tại Hải Phòng có 193 đơn vị với 109.560 NLĐ bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại khoảng 2.310 tỷ đồng, dự kiến một số DN hết tháng 9 mới khôi phục lại sản xuất. Còn nhiều đơn vị chưa dự kiến được ngày quay trở lại sản xuất kinh doanh; có khoảng 21.000 NLĐ phải ngừng việc tại thời điểm này.