Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc AMD Group cho biết, tham vọng trong thời gian tới của công ty là chinh phục từ 25-30% thị phần đá tự nhiên của Việt Nam.
Thưa ông, vì sao AMD đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo lại quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khai thác đá tự nhiên?
- Đá tự nhiên là một vật liệu xây dựng kinh điển, khi luôn luôn hiện diện và gắn liền với những nền văn minh rực rỡ của nhân loại, từ thời Ai Cập cổ đại, đế chế Maya, đế chế Hy Lạp - La Mã cho đến thời kỳ Phục Hưng...
Trong thế kỷ 20, vật liệu này từng có giai đoạn suy thoái trước sự lên ngôi của các vật liệu nhân tạo nhưng khi giá trị của đá tự nhiên ngày càng được chứng tỏ qua thời gian thì sự đảo ngược về khuynh hướng đang diễn ra trên khắp thế giới.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đá tự nhiên là tinh hoa được hình thành qua nhiều triệu năm tích tụ phong hóa, có độ bền và sự sang trọng hiếm vật liệu nhân tạo nào so sánh được.
Nhu cầu tiêu thụ đá tự nhiên trên thị trường quốc tế đang rất lớn, đặc biệt là Mỹ, Italia, Hy Lạp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… và Trung Đông. Ở Việt Nam chúng ta gần như phải nhập khẩu 100% với chi phí khá cao, nhưng nếu xét về chất đá, thì đá nhập khẩu có thể không bằng so với một số mỏ đá Việt Nam đang có.
Đó là lý do khi công ty cần mở rộng kinh doanh để tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đá tự nhiên vì đây là một trong những vật liệu xây dựng có tiềm năng thị trường lớn nhất hiện nay.
Mặt khác, ngay trong AMD chúng tôi cũng sở hữu 1 viện nghiên cứu chuyên đào tạo, tư vấn phát triển cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Nhờ nguồn lực quý giá này, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã chuẩn bị xong các nền tảng vững chắc từ hạ tầng mỏ đá, nhà máy, kho bãi, hệ thống showroom để có thể khai thác, sản xuất và tiếp cận thị trường trong nước lẫn xuất khẩu một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Ông nhận xét như thế nào về hiện trạng khai thác đá tự nhiên của Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam hiện có trữ lượng đá ốp lát vào khoảng hơn 37 tỷ tấn, có thể khai thác, chế biến thành hàng trăm tỉ m2 đá ốp lát. Con số tuy nhiều nhưng không phải vô hạn.
Công nghệ khai thác lạc hậu khiến tỷ lệ đá thành phẩm đạt chất lượng ở nhiều mỏ đá chỉ khoảng 20-30%. Đá tự nhiên của Việt Nam hiện nay ra thị trường thế giới phần lớn ở dạng thô, giá trị thấp, gây lãng phí rất lớn về mặt tài nguyên chưa kể các hệ lụy lớn ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái.
Trong khi đó, về mặt chất lượng, như tôi có nhắc đến ở trên, đá tự nhiên của Việt Nam không thua kém so với thế giới, thậm chí tốt vượt trội ở một số tiêu chí.
AMD giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi hiểu rằng muốn đi xa trong lĩnh vực này, đầu tư vào những công nghệ khai thác tối tân nhất là điều buộc phải làm dù chi phí đầu vào có thể nói là rất tốn kém.
Hiện công ty đang sở hữu hệ thống máy móc cao cấp từ Châu Âu giúp tối ưu hiệu quả khai thác với tỷ lệ thu hồi đá nguyên khối rất cao, vừa không lãng phí tài nguyên vừa giải quyết hai vấn đề nan giải trong ngành đá là ô nhiễm và tai nạn lao động.
Nhiều người từng rất ngạc nhiên khi chúng tôi đầu tư hàng trăm tỷ nhập các công nghệ khai thác hiện đại. Nhưng cũng chính họ đã phải thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến đá thành phẩm của AMD.
Sau khi chế tác, sản phẩm đá của chúng tôi không chỉ bóng, sáng, vân đá tự nhiên độc lạ mà độ thấm nước gần như bằng không, rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam.
Xin ông cho biết về tiềm năng thị trường nội địa và xuất khẩu của đá tự nhiên AMD hiện nay?
- Chúng tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trị giá hàng triệu USD từ những thị trường khó tính thuộc Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, do chất lượng đá tự nhiên không thua kém bất cứ nhà cung cấp quốc tế nào, trong khi mức giá thành rất cạnh tranh chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3.
Riêng với thị trường nội địa, có hai vấn đề mà các chủ đầu tư, nhà thầu đang gặp phải khi nhập đá ngoại là thời gian nhập đá có thể mất tới vài tháng, cộng với chất lượng đá khó kiểm soát đồng đều. Nhiều lô hàng nhập về bị gãy vỡ, ngấm nước, độ chịu mài mòn kém.... dẫn tới tiến độ dự án không đảm bảo.
Sản phẩm đá tự nhiên của chúng tôi hầu như giải quyết được hết những vấn đề này. Đá AMD đã xuất hiện trong nhiều dự án lớn như hệ thống quần thể nghỉ dưỡng của FLC, Ecopark, T&T…. và hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Với tiềm năng thị trường tốt như vậy, chúng tôi dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn ban đầu sẽ vào khoảng 40-50%.
AMD đang dốc toàn lực để chinh phục từ 25-30% thị phần đá tự nhiên Việt Nam trong 2 năm tới, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp đá hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Vẻ đẹp của đá tự nhiên có giá trị trường tồn và chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện thành công sứ mệnh của mình là đem vẻ đẹp đó đến với mỗi gia đình người Việt.