Do hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoạt động tự động
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa đây đã có thông tin cho báo chí về việc thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định 1106/QĐ-BTC ngày 10/4/2020 của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, hệ thống xử lý tự động, không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Cụ thể, Quyết định 1106/QĐ-BTC của Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu (XK) gạo trong tháng 4/2020, Quyết định có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch như sau:
Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch XK trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép XK trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép XK trong tháng 4.
Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký XK của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép XK trong tháng 4.
Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện Quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Kể từ 24 giờ ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo XK trong hạn ngạch được phép XK theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch XK trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép XK trong tháng 4 (là 400.000 tấn).
Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24 giờ ngày 11/4/2020 đến 19 giờ 34 phút ngày 12/4/2020 đã có 40 DN đăng ký tờ khai XK tại 13 Chi cục Hải quan; số lượng gạo đã đăng ký tờ khai XK là 399.999,73 tấn.
Tổng cục Hải quan cho biết, để kịp thời cung cấp thông tin về lượng gạo XK đã được đăng ký mở tờ khai hải quan, Tổng cục Hải quan đã bổ sung thông tin thống kê về tình hình đăng ký XK gạo trên trang chủ Cổng thông tin điện tử Tổng cục tại địa chỉ www.customs.gov.vn. Theo đó, các DN xuất nhập khẩu và người dân sẽ được cập nhật mỗi 60 phút về lượng gạo đã được mở tờ khai đăng ký XK trong tháng, lượng gạo đã thực xuất trong tháng và số lượng hạn ngạch XK còn lại trong tháng.
Doanh nghiệp ngỡ ngàng vì "trở tay không kịp"
Trước đó, nhiềudoanh nghiệp (DN) đã bức xúc, thậm chí có đơn cầu cứu Thủ tướng vì cho rằng việc mở tờ khai hải quan XK gạo “có vấn đề” vì diễn ra quá chóng vánh và lại thực hiện lúc đêm khuya, nhiều DN tại chưa kịp nắm thông tin thì đã “mất cơ hội”.
Cụ thể, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), mới đây đã phải có đơn kêu cứu tới Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an.
Trình bày cụ thể, ông Bình cho biết: Lúc 10 giờ 28 phút, ngày 11/4, Công ty Trung An nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4 của Bộ Công Thương và nhận công văn số 0361/XNK- NS ngày 10/4 của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vào lúc 14 giờ 46 phút. Đây là những công văn điều hành của Bộ Công Thương nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng truyền đạt tại văn bản 2827 (ngày 10/4) của Văn phòng Chính phủ, về việc cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo và có hiệu lực từ 0 giờ, ngày 11/4.
Theo ông Bình, ông đã yêu cầu nhân viên túc trực để mở tờ khai cho những lô hàng khai dở bị kẹt từ ngày 24/3, nhưng đến 21 giờ ngày 11/4 hệ thống vẫn không mở. Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn gì có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan mặt hàng gạo của Hải quan.
Đơn kiến nghị của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. |
Công ty Trung An cũng lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS (Hệ thống thông quan tự động của Hải quan) để lấy thông tin tờ khai, thì chỉ nhận được thông báo: “Thực hiện không thành công”. Đến sáng 12/4, Cty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố đã đủ chỉ tiêu.
Ông Bình cho biết, qua tìm hiểu, Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4 là đóng lại, vì đủ hạn ngạch 400 nghìn tấn. Việc này theo ông Bình là không minh bạch, khiến doanh nghiệp như bị dội gáo nước lạnh.
“Hàng trăm nghìn tấn gạo của các doanh nghiệp đã nằm tại cảng chờ thông quan, nếu Hải quan mở tờ khai phải cho các lo gạo của doanh nghiệp đã và đang khai dở thủ tục xuất khẩu, sua đó mới cho khai mới”, ông Bình nói.
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long - T&T Group cho rằng, cách điều hành “lạ lùng” trên đã gây tổn hại cho dân nghèo trồng lúa và DN xuất khẩu gạo.
Hiện Tân Long - T&T Group có gần 6.900 tấn đã đóng vào container, bị kẹt do lệnh tạm dừng xuất khẩu ngày 24/3, nay chỉ chờ khai báo thực tế để xuất, nhưng giờ lại tiếp tục bị ứ lại.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho hay rất nhiều doanh nghiệp thành viên của VFA cũng không kịp mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo sau khi Thủ tướng cho phép xuất trở lại. “Nhiều doanh nghiệp phản ảnh không có thông tin hải quan cho mở tờ khai nên không kịp trở tay”, ông Kiên nói.