Đổi mới các doanh nghiệp khối sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật
Sáng qua (2/7), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã tổ chức Hội nghị Quân chính 6 tháng đầu năm 2021. Hội nghị đánh giá, trong 6 tháng qua, Tổng cục CNQP đã chủ động làm tốt công tác tham mưu chiến lược với Nhà nước và Bộ Quốc phòng các nội dung về xây dựng, phát triển CNQP; trong đó đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TW và Đề án đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh, đạt nhiều kết quả tích cực; đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, điều hành chương trình CNQP, tham gia thẩm định các dự án đầu tư chương trình CNQP trong toàn quân. Công tác nghiên cứu khoa học, chế thử sản phẩm được Tổng cục triển khai liên tục, toàn diện; tích cực tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí lục quân, đóng mới, sửa chữa tàu quân sự.
Hiện nay, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của các đơn vị đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp, vật tư thay thế khan hiếm, mà nhiệm vụ đòi hỏi ngày một cao. Do vậy, việc sửa chữa, đồng bộ VKTBKT là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần trực tiếp nâng cao sức cơ động, bảo đảm cho thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, những năm gần đây, các cơ sở sửa chữa, đồng bộ VKTBKT cấp quân đoàn đã được Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, nâng cấp đáng kể, cả về hệ thống cơ sở kỹ thuật, tổ chức, biên chế,… đáp ứng cơ bản yêu cầu sửa chữa các loại vũ khí, trang thiết bị hiện có, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các quân đoàn.
Mặc dù công tác kỹ thuật thời gian qua đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, nhưng bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn do phần lớn VKTBKT trong biên chế của các quân đoàn là thế hệ cũ, đã sử dụng nhiều năm, hệ số kỹ thuật thiếu ổn định, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ lớn. Trong khi đó, tổ chức, lực lượng kỹ thuật và năng lực của hệ thống trang thiết bị phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng có mặt chưa theo kịp sự phát triển nhiệm vụ; ngân sách bảo đảm, vật tư, phụ tùng có hạn…
TS. Phạm Anh Tuấn, Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu cho biết, trước tình hình vật tư, linh kiện thay thế khan hiếm, chưa đáp ứng được yêu cầu, các đơn vị sửa chữa cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sửa chữa VKTBKT.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, khai thác nguồn vật tư tương đương trên thị trường; liên kết, hợp tác với các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sửa chữa trong và ngoài quân đội để sản xuất các loại vật tư kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên quản lý chặt chẽ nguồn vật tư hiện có của đơn vị, tính toán, thống kê những vật tư, linh kiện có tần suất hỏng hóc lớn, vật tư đặc chủng, quý hiếm.
Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung nguồn vật tư dự phòng; xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về sản xuất vật tư, linh kiện kỹ thuật, hướng tới mục tiêu tự chủ, tự lực bảo đảm một số vật tư cần thiết phục vụ sửa chữa.
Trung tướng Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP chủ trì Hội nghị cho biết, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục sẽ tập trung rà soát, báo cáo Bộ Quốc phòng về cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp khối sản xuất, sửa chữa VKTBKT.
Năm 2021, đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu từ 5 - 7%
Tổng cục CNQP có 4 khối đơn vị: Khối sản xuất, sửa chữa súng; Khối đóng tàu quân sự; Khối sản xuất, sửa chữa đạn và kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và Khối các đơn vị điện - điện tử.
Năm 2020, mặc dù do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng các đơn vị trong Tổng cục CNQP đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng, đảm bảo chất lượng, tiến độ; duy trì sản xuất các sản phẩm kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo đủ việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Tổng doanh thu của các đơn vị đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu của Khối sản xuất, sửa chữa súng đạt 2.784 tỷ đồng (bằng 101,4% kế hoạch); doanh thu Khối đóng tàu quân sự đạt 3.891 tỷ đồng (bằng 101,4% kế hoạch); doanh thu Khối sản xuất, sửa chữa đạn và kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp đạt 14.869 tỷ đồng (bằng 103,2% kế hoạch); doanh thu Khối các đơn vị điện - điện tử đạt 3.178 tỷ đồng (bằng 102,9% kế hoạch).
Năm 2021, các đơn vị dự kiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh với các chỉ tiêu cơ bản tăng so với năm 2020 và đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu theo Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Tổng cục từ 5 - 7%. Trong đó, doanh thu quốc phòng của một số đơn vị tăng cao, do nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa hàng quốc phòng đã được giao từ các nguồn ngân sách.
Đối với sản xuất hàng kinh tế, do dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, vận chuyển các loại vật tư đầu vào, máy móc thiết bị, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nên các đơn vị trong Tổng cục đã chủ động điều chỉnh doanh thu kinh tế phù hợp với tình hình thực tế song vẫn đảm bảo tăng trưởng tương ứng với tổng chỉ tiêu doanh thu, giá trị tăng thêm, lợi nhuận và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xác định các giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện và hoàn thành toàn diện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, các đơn vị trong Tổng cục cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chương trình CNQP, nhất là các dự án trọng điểm; hoàn tất hồ sơ và tổ chức nghiệm thu các dự án hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Toàn ngành CNQP cần tiếp tục tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất, sửa chữa các sản phẩm vũ khí từ các nguồn ngân sách; hoàn thành đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ.
Các doanh nghiệp CNQP cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm CNQP và tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế...