Xây dựng Đảng không phải xây dựng chay
Đồng tình với đa số ý kiến đánh giá công tác kiểm tra của 5 đoàn được tiến hành bài bản, nghiêm túc, có tác dụng tốt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương và các địa phương được lựa chọn kiểm tra đều là đại diện các vùng, miền, cơ quan, địa phương.
Mỗi nơi có cách làm mới, sáng tạo, qua đó nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã có các hoạt động thiết thực, đạt kết quả cụ thể, đồng đều hơn giữa các vùng, cơ quan, không còn trên nóng dưới lạnh, tạo chuyển biến cả về kinh tế và các mặt khác.
Quan trọng nhất, cơ bản nhất là nhận thức của cán bộ, đảng viên ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05. “Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, con người, có phương thức hoạt động tốt để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, sâu xa là chỗ đó, không thể không làm. Tuy nhiên, xây dựng Đảng không phải xây dựng chay, mà thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông qua tất cả các hoạt động để xem con người, tổ chức, phương thức lề lối làm việc thế nào, chủ trương đề ra có đúng không, tổ chức thực hiện có tốt không”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh việc xây phải đi với chống, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: nội hàm xây dựng Đảng bây giờ đầy đủ hơn, đặc biệt là việc quan tâm ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không chỉ chống tham nhũng tiêu cực. Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng vừa rồi được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có cách thức, phương pháp tiến hành tốt, đặc biệt là phòng chống tham nhũng tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nếu Nghị quyết chung chung thì không thể vào cuộc sống, mà phải bằng một loạt quy chế, quy định cụ thể. Chẳng hạn, vừa rồi, chúng ta ban hành một loạt quy chế, quy định về nêu gương, việc không sửa tuổi, kê khai tài sản thế nào… một loạt quy định đó đã có tác dụng, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động.
Như việc sinh hoạt Đảng, không chỉ có họp hành, kiểm điểm có mặt đầy đủ đảng viên không, phân loại, rồi về lấy ý kiến địa phương, rất là hình thức. Cuối cùng là nhận xét tốt hết cả, có khi về cũng chẳng tham gia sinh hoạt ở địa phương. Sinh hoạt ở địa phương cũng chỉ là một biện pháp để nhân dân giám sát đảng viên và gắn kết đảng viên với địa phương, cơ sở.
Thước đo là lòng dân
Lấy dẫn chứng từ thực tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: vừa rồi, qua xử lý một loạt cán bộ sai phạm đã có tác dụng ngăn chặn răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo. Những “anh” khác cũng nơm nớp lo rồi không dám làm… Một kết quả nữa là chúng ta đã chú ý xử lý những trường hợp chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân. Báo chí phải làm mạnh hơn nữa, phải khuyến khích mạnh mặt này, phản bác mạnh mẽ hơn nữa.
“Thước đo là lòng dân, không dung dưỡng tiêu cực hư hỏng, mà khuyến khích những người tốt, những việc tốt. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ, người ta đang lo sắp tới có tiếp tục duy trì đà này không? lò có nguội hay vẫn nóng đều?”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu kết luận cuộc họp. |
Trước những hạn chế của công tác tuyên truyền phổ biến, học tập các nghị quyết, chỉ thị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục cải tiến hơn nữa công tác này. Ông cho rằng một vài nơi do nhận thức chưa thật sâu sắc, chưa hiểu thấu hết yêu cầu nhiệm vụ, tính chất quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cho nên hoạt động vẫn còn hình thức, nhiều nơi có tính chất đối phó.
Thực tế vẫn còn hiện tượng nể nang, anh nào vướng vào khuyết điểm rồi thì không muốn làm, không quyết tâm làm, thậm chí né tránh, bệnh thành tích, sợ trách nhiệm, sợ khuyết điểm, đổ cho người khác. Một điểm chung là con người thường thấy mình tốt hơn, giỏi hơn, nhưng thiệt thòi hơn, nên có cái gì đụng đến là giẫy nảy lên. Bởi vậy, xây dựng Đảng trước hết là xây dựng con người. Cần biểu dương nơi làm tốt; nơi làm kém phải có hình thức nhắc nhở; chống hiện tượng co cụm, ngăn chặn thông tin xấu độc, chia rẽ nội bộ, nói xấu lẫn nhau.
Cùng với đó, cũng phải dè chừng, cảnh báo những tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. “Chuẩn bị Đại hội đến nơi rồi, lại vận động “anh” ủng hộ “em”… Làm gì phải “chạy”, tôi đã nói rồi “chạy” là không dùng, cái gì đến nó tự đến, hữu xạ tự nhiên hương, dân bây giờ tinh lắm, tại sao phải thế? nói rất hay nhưng trong hành động lại không phải, nói một đằng làm một nẻo, lựa gió theo chiều… Xây dựng Đảng về tổ chức, về con người, chỗ nào xộc xệch thì chúng ta chấn chỉnh”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kiên quyết.
Sau hơn 2 năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, qua đó cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhận diện rõ nét hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tự soi, tự sửa.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, có tác dụng tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị còn hình thức; một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn thiếu gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, còn hiện tượng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn lúng túng trong nhận diện và xử lý liên quan đến các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa sát thực tế, còn biểu hiện “bệnh thành tích”…