Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng nay (13/12), Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền
Chỉ rõ những thời cơ, thuận lợi và thách thức đặt ra đối với thành phố Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển, Bộ Chính trị cho rằng Hải Phòng có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh phía Bắc. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Hải Phòng đã tạo được thế và lực mới cho phát triển nhanh, bền vững và cao hơn so với nhiều địa phương khác; đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Hải Phòng chưa phát huy rõ nét vai trò là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thành phố; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, một số dự án, công trình ghi trong Nghị quyết số 32-NQ/TW nhưng đến nay chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm...
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đề nghị thời gian tới Hải Phòng cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy cao độ truyền thống của Thành phố cảng lâu đời để xây dựng và phát triển Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, phát triển xanh; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường biển, đường hàng không, là trọng điểm dịch vụ hậu cần (logistics); trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Cơ chế chính sách thông thoáng thì sẽ làm được
Nhất trí với đa số ý kiến đã phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá Hải Phòng đã tiến hành tổng kết công phu, nghiêm túc việc triển khai thực hiện Nghị quyết, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết đề ra, những kết quả đã đạt được và những điểm chưa được như mong muốn…
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. |
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết đã tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW trong 15 năm qua, Hải Phòng rõ ràng có bước tiến xa về tất cả các mặt, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao; xây dựng và quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn, thành thị thay đổi rõ rệt; văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ, quốc phòng an ninh được giữ vững, hạ tầng phát triển đồng bộ. Những chỉ tiêu cụ thể nêu ra trong Nghị quyết đều cơ bản đạt được, tuy mức độ cao, thấp khác nhau.
Dù thành tựu rất đáng tự hào, đáng mừng, nhưng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết thì Hải Phòng cũng có điểm chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của một thành phố cảng, thiên thời địa lợi nhân hòa, là trung tâm, đầu mối giao thông ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc cả về đường bộ, đường biển, đường hàng không; lại được sự quan tâm của Trung ương và cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cơ bản nhất trí với định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng thời gian tới, đồng thời đề nghị Hải Phòng cần chú trọng phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ biển, logistics, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học giáo dục, đặc biệt chú trọng quốc phòng an ninh; phát huy mạnh hơn nữa vai trò trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, Hải Phòng phải chú ý làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực hiệu quả; về công tác cán bộ, đào tạo cán bộ, phát huy vai trò, sức mạnh của tập thể trên cơ sở tình đồng chí vì sự nghiệp chung; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh và toàn diện thì mới bền vững được.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh Hải Phòng đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể, đồng thời lưu ý: “đã đề ra thì phải phấn đấu làm cho bằng được”, phải có quyết tâm cao, đồng thuận; có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cơ chế chính sách thông thoáng thì sẽ làm được, mặt yếu thì đầu tư, mặt mạnh thì khuyến khích phát huy.
Về các kiến nghị của Hải Phòng, Bộ Chính trị cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết mới để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; nhất trí với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà Hải Phòng đề ra. Về cơ chế đặc thù, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý về cơ bản, nhưng Hải Phòng cần đề xuất cụ thể, có tính đến mối tương quan với các địa phương khác, các nghị quyết đã có, phù hợp với kế hoạch của Chính phủ, sát hợp với thực tế và đúng chính sách, luật pháp.
Ngành công nghiệp phát triển đột phá với nhiều khu công nghiệp, dự án lớn như Nomura, Vinfast, củng cố vị trí là trung tâm công nghiệp lớn. Thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2003-2017 đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng bình quân 16,58%/năm, thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn, công ty lớn của thế giới và Việt Nam.