Người phụ nữ bé nhỏ “chặn tay” gian lận xăng dầu
Ở Đồng Nai, hiếm người không biết đến tiếng tăm của “nữ tướng” chống gian lận xăng dầu - Th.s Đỗ Ngọc Thanh Phương. Mọi người vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về những lần chị Phương “ra quân” đi bắt những cây xăng gian lận vào năm 2015.
Biết rằng các cây xăng gian lận thường có cách thức gian lận rất tinh vi như: điều khiển bằng thiết bị cầm tay như điện thoại để tắt thiết bị điện, huấn luyện cho nhân viên khi “có biến” lập tức tác động lên bàn phím, cò bơm hay tắt nguồn điện, xóa sạch các dấu vết, chị Phương cùng đồng nghiệp đã không ít lần đóng giả, mật phục ly kỳ không kém gì các phim hành động.
Câu chuyện chị Phương lên kế hoạch để vạch mặt trạm xăng gian không ít lần được nhắc đến trên báo chí. Đó là một trạm xăng nằm ở xã Hóa An thành phố Biên Hòa. Nhận thấy trạm xăng có vấn đề gian lận, chị Phương và đồng nghiệp đã tổ chức kiểm tra đến ba lần nhưng vẫn chưa vạch mặt được hành vi gian lận.
Phải khổ công thực hiện những “pha” bí mật và mạo hiểm như phim hành động, chị mới vạch mặt được thủ đoạn gian lận xăng dầu. Quá trình thực hiện, đã không ít lần chị nhận được câu hỏi: “Có sợ hay lo lắng cho sự an toàn của mình không?”. Chị Phương chỉ giản dị đáp lại: “Nếu lo lắng thì chúng tôi đã không làm. Bản thân tôi thấy đam mê công việc và hoàn toàn an tâm khi có các đồng đội luôn sát cánh ở bên, lãnh đạo chỉ huy trực tiếp. Chúng tôi cố gắng để hướng tới một môi trường mua bán xăng trong sạch ở Đồng Nai”.
Với phương pháp kiểm tra bất ngờ như vậy, từ tháng 3-7/2015, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 53 trạm xăng vi phạm đo lường và chất lượng, phạt số tiền trên 6 tỉ đồng, trong đó trường hợp bị phạt cao nhất đến 600 triệu đồng. Sau đó, gần 350 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (cả vi phạm và chưa vi phạm) lần lượt làm đơn xin sửa chữa và kiểm định lại các trụ bơm xăng.
Bản thân nữ Chi Cục trưởng Đỗ Ngọc Thanh Phương cũng nhận được Bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
Ước mơ vươn tới bầu trời của kỳ lân nữ
Múa lân sư rồng là một bộ môn múa nghệ thuật dân gian đường phố có từ rất lâu tại Trung Quốc, sau đó dần dần du nhập sang các nước lân cận như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam. Nhưng dù phát triển ở quốc gia nào thì trước đây các đoàn múa lân sư rồng đều có một điểm chung đó là không có nữ nhi.
Bên cạnh những quan niệm trọng nam, khinh nữ thì lý do chính yếu là vì chỉ thanh niên trai tráng, sức khỏe dồi dào, dẻo dai mới đủ sức để điều khiển chúng một cách dễ dàng, do các mô hình lân sư rồng tất cả đều rất nặng. Tuy nhiên, thời gian gần đây hình ảnh nữ nhi điều khiển lân sư rồng đã không còn là hiếm ở nhiều nước. Tại Việt Nam hiện nay có hai đoàn lân sư rồng nữ, đó là Đoàn Lương Hòa (Bến Tre) do các bà lão nay đã hơn 70 tuổi thành lập từ năm 1954, là đội lân sư rồng nữ đầu tiên của Việt Nam do Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận và Đoàn Tú Anh Đường (TP Cần Thơ) đoàn lân sư rồng trẻ nhất Việt Nam hiện nay với các nữ vận động viên chỉ từ 14 - 17 tuổi.
Đoàn Tú Anh Đường đã ghi được nhiều kỷ lục Việt Nam trong bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. Và khi đã nhắc đến Đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường thì không thể không nhắc đến chị Lê Yến Quyên – Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Lân sư rồng Tú Anh Đường.
Trong gia đình cha buôn bán, còn mẹ là y sỹ chẳng có ai theo nghiệp võ, nhưng Lê Yến Quyên lại đam mê và học võ Taekwondo từ năm 6 tuổi. Đến năm 9 tuổi, Quyên bắt đầu tập luyện cùng đội lân sư rồng với đàn anh. Năm 2009, mới 14 tuổi Quyên đoạt Huy chương Vàng nội dung leo cột trong hội thi múa lân của TP Cần Thơ. Năm 2008, khi Đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường thành lập vì say mê môn nghệ thuật này Lê Yến Quyên đã trở thành diễn viên nữ đầu tiên của đoàn.
Sau 8 năm khổ luyện, Lê Yến Quyên đã trở thành vận động viện nữ múa lân trên cột với chiều cao từ 6 đến 13,5m, múa lân lên hoa mai thung, múa lân nhảy bụt, lân nhảy ghế đẩu, nhảy ghế ngựa, múa rồng, múa sư tử, đánh trống hoạt náo lân sư rồng… Những ai đã từng được xem Quyên biểu diễn màn múa trên hoa mai thung không thể quên bởi đây là tiết mục múa nguy hiểm bậc nhất trong nghệ thuật múa lân sư rồng nên trên thế giới ít có lân nữ biểu diễn. Dàn hoa mai thung có 16 cột sắt xen kẽ chông chênh. Cột thấp nhất 1,2m, cao nhất gần 2,4m, trải dài 7,5m. Múa trên mai hoa thung là nhảy múa trên dàn đỉnh cột ấy. Quyên thực hiện nhiều pha biểu diễn nhào lộn đẹp mắt và cực kỳ mạo hiểm.
Trưởng đoàn Lân sư rồng Tú Anh Đường võ sư Lương Ấn Đường cho biết: “Múa lân sư rồng trước kia chủ yếu dành cho nam giới vì đòi hỏi khỏe mạnh, biết võ thuật. Bên cạnh nền tảng thể lực dồi dào, người múa cần có khả năng di chuyển nhanh gọn, dứt khoát; một sai sót nhỏ cũng có thể phải đổi bằng tính mạng. Quyên có những tố chất ấy nên hoàn thành xuất sắc những động tác hùng dũng oai nghi không thua gì nam giới, lại phát huy được thế mạnh nữ giới mềm mại, khéo léo”.
Từ năm 2009 đến nay, Lê Yến Quyên cùng Đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường đã tham gia hầu hết các giải trong nước và đoạt nhiều thứ hạng cao. Quyên và đồng đội đã lập 5 kỷ lục Việt Nam: Nữ vận động viên duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7m; Đôi nam nữ duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7m; Đôi nữ vận động viên duy nhất Việt Nam múa lân trên hoa mai thung; Đội múa sư tử nữ Việt Nam; Đội múa rồng nữ trẻ nhất Việt Nam. Cá nhân Quyên đạt 9 Huy chương Vàng cấp toàn quốc; 17 Huy chương Vàng cấp thành phố; 3 Huy chương Vàng cấp ĐBSCL.
Khi được hỏi có bao giờ e ngại, hối hận với quyết tâm chinh phục đỉnh cao của mình hay không, Quyên cho biết chị phải mất gần 3 năm mới chinh phục được đỉnh 7 m với vô số lần té ngã, bầm tím tay chân.
“Nhưng lúc nào cũng muốn thử thách leo cao và chinh phục cái mới lạ để chứng tỏ bản lĩnh của mình là những gì nam giới làm được thì nữ cũng có thể” – Quyên khẳng định. Hiện tại, Lê Yến Quyên là Tổng Thư ký Liên đoàn lân sư rồng TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường. Vừa tập luyện Quyên vừa huấn luyện cho hơn 70 vận động viên đàn em. Nhờ tấm gương của Quyên, nhiều nữ vận động viên trẻ đã tin tưởng tham gia bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống này.