Ý chí và nghị lực ở đâu. Sau khi tôi, một đứa con gái bị tai nạn, khuôn mặt trở nên xấu xí và chán sống, đã tìm thấy một mạch nguồn nhỏ nhoi của sự sống. Tôi đã vươn lên và sống tốt. Và tôi hiểu được rằng, nhan sắc ở đời quan trọng thật, nhưng còn có thứ nhan sắc khác, quan trọng hơn đó là vẻ đẹp tâm hồn và tri thức. Từ đó tôi bỏ qua mặc cảm, biết mình cần phải làm gì để tốt cho cuộc đời này.
1. Là con gái tuổi xuân thì, nhưng tai nạn đã cướp đi nhan sắc tôi. Một thứ mà bất cứ người con gái nào giờ đây cũng cần đến. Nhiều người bảo: Nhan sắc là lợi thế bước vào đời. Nhưng tôi đã không còn lợi thế đó. Khuôn mặt trái xoan, trắng hồng của tôi đã bị hủy hoại.
Dù có làm thế nào để xóa bớt, thì nó vẫn chỉ như một tác phẩm vụng về mà ông Thượng đế nào đó, trong một ngày buồn ngủ đã vẽ ra. Đôi mắt của tôi, ngày mới nhập trường đại học, vẫn được coi như hai giếng nước, mà chàng trai hơn một lớp đã đăm đắm nhìn ao ước và tỏ tình, giờ vẫn đậu trên khuôn mặt tôi.
Nhưng sự trang điểm của đôi mắt đẹp, trên nền khuôn mặt đầy xẹo, nhăn nhúm và méo mó, còn ý nghĩa gì. Mái tóc dài mượt mà óng ả mà không ít bạn gái trong lớp ao ước, giờ cũng bị thay thế bởi bộ tóc cũn cỡn ngắn và vàng hoe bởi thuốc kháng sinh.
Chẳng còn ý nghĩa gì trong cuộc đời này nữa. Lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt biến dạng gớm chết của mình, tôi đã ngất xỉu. Trời ơi, tại sao lại có thể tồi tệ như thế được cơ chứ (?)
Dù gia đình đã cố gắng động viên, tìm thầy thuốc giỏi, chạy chữa, cứu khuôn mặt của tôi. Nhưng tiềm lực gia đình có hạn, không thể theo đuổi đến cùng tận. Muốn phẫu thuật thẩm mỹ, phải ra nước ngoài.
Nhưng tiền đâu mà đi. Thế là tôi ôm nỗi buồn tủi. Nỗi buồn tủi và tiếc nuối cứ bám lấy tôi, rồi đè tôi xuống. Lấy lại làm sao được khuôn mặt đẹp của tôi ngày trước.
Bố mẹ không trả lời được. Các bác sĩ bó tay. Họ chỉ có thể cứu sống được tôi, trả lại khuôn mặt rất hầm hố dị dạng cho tôi.
Không thể kể được bao nhiêu nước mắt đã chảy, bao nhiêu tiếng đồng hồ trắng đêm nằm nghe mọt nghiến gỗ và ao ước trở lại ngày xưa.
Sau tai nạn, được điều trị rồi được đưa về quê. Sự chán nản tăng gấp đôi. Tâm trí tôi không còn nghĩ được gì khác, ngoài cái chết. Cái chết là lựa chọn số một
. Hai năm trước xem trên ti vi, tôi cũng thấy có người trẻ như tôi tìm đến cái chết khi thấy tuyệt vọng, xung quanh không còn gì để mình muốn sống. Tôi quyết định tìm đến cái chết. Đúng, tôi đã nghĩ như thế và đã đi làm.
Tôi ra bờ tường, nơi bố mình đã để những chai thuốc trừ sâu. Tôi đã dùng nó để uống. Và khi bụng tôi đau thắt, đầu óc choáng váng sắp ngã lăn ra thì mẹ tôi phát hiện. Mẹ líu lưỡi gọi bố. Mọi người đưa tôi ra ngay bệnh viện huyện rửa ruột.
Các bác sĩ bảo: “May mà đưa đi kịp thời, không thì...”. Bố tôi lại bảo: “Ở cái chai đó, chỉ là nước tráng chai thôi. Nếu là thuốc nguyên chất, chắc tôi đã...”
2. Không thể quên được buổi chiều kinh hoàng đó. Trên đường đi xe máy về quê, chiếc ô tô ngược chiều đã đâm sầm. Tôi bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Và sau đó, ngoài nỗi đau bị người bạn trai trước đây quan tâm, thì giờ cũng mất tăm, tôi đau vì mình chẳng thể nào lấy lại được nhan sắc. Mẹ vẫn cầu trởi khấn phật, xin các bác sĩ chữa trị, cứu khuôn mặt của tôi.
Để tôi còn lấy chồng. Chuyện không được như ý muốn. Tôi hét lên, khóc rống lên. Lòng mẹ quặn thắt, lòng bố nhoi nhói.
Đến khi tự tử bằng thuốc trừ sâu không thành, nằm trong bệnh viện huyện, mẹ rên rỉ: “Con ơi, đừng dại dột thế, làm bố mẹ đau lòng. Dù sao con vẫn phải sống”.
Lúc chỉ có mình mẹ, tôi vùi vào lòng mẹ mà nức nở: “Mẹ ơi, khuôn mặt của con... con sống làm gì nữa với khuôn mặt thế này. Con chỉ muốn chết đi thôi”.
Sau đó, được đưa về nhà, dù bố mẹ hết lời khuyên can, nhưng tôi vẫn chưa thông. Lòng tôi vẫn nát tan như vết thương không bao giờ ngậm miệng. Tôi sợ phải nhìn thấy khuôn mặt mình. Tôi lo người khác sẽ chạy khi nhìn thấy tôi, rồi xì xào, bàn tán.
Tôi không thể sống với khuôn mặt dị dạng đến tàn nhẫn. Phải chết đi. Phải tìm cái chết thôi. Ý nghĩ này, vết thương này hay sự trầm cảm và tự ti đã dẫn dụ tôi tới cái chết.
Và rồi, chính trong lúc cùng quẫn trên bờ miệng tử thần, vô tình tôi đã đọc được bài báo, là tờ báo bọc thuốc nam mẹ bốc của một thầy lang vườn, viết về dịch giả Bích Lan (Thái Bình), một dịch giả đã vượt lên khó khăn, bệnh tật để thành một dịch giả xuất sắc. Tôi thực sự khâm phục chị Bích Lan.
Chị bị loạn dưỡng cơ tuổi phát triển, yếu tới mức không tự đi lại được, đành bỏ học giữa chừng, bỏ lại những ước mơ vươn tới khung trời rộng lớn của một cô học trò lớp văn.
Vài năm qua đi, chị chỉ còn biết quanh quẩn trong ngôi nhà của mình. Rồi chị đã tự học tiếng anh. Sau 4 năm tự học, chị đã hoàn thành chương trình tiếng Anh và các giáo trình bắt buộc khác đối với một sinh viên đại học ngoại ngữ.
Rồi chị lại tự học dịch sách. Giờ chị là dịch giả có đến hơn 14 cuốn dịch. Tròn 20 năm, không thể đi lại bình thường trên chính đôi chân của mình, nhưng với nỗ lực vượt lên số phận và năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt đã giúp chị Bích Lan gắng gỏi đi được những chặng đường rất xa.
Tôi lại được nghe trên Đài tiếng nói Việt Nam phát giới thiệu về chị. Chị giỏi quá, đáng khâm phục quá. Nhìn ảnh của chị, chị đâu có xinh, đâu có khỏe mạnh. Nhưng chị vẫn tự tin và sống tốt.
Chị còn bảo: “Căn bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp không cho tôi bước ra khỏi ngôi nhà của mình, nhưng nó không ngăn được tôi đi ra thế giới bằng khát khao, quyết tâm từ trái tim và khối óc...”
3. Giờ, nhìn thấy những người khỏe mạnh, xinh đẹp, tôi không còn thấy tủi thân như trước. Tôi không khóc lóc, than vãn, kêu ca rằng vì sao tai họa lại giáng xuống đầu mình mà không phải là ai khác. Tôi cũng từng nghe người ta nói, xấu đâu phải là cái tội. Huống hồ, tôi đã được có nhan sắc, sở hữu nó và mới bị cướp đi thôi.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về chị Bích Lan và khoe với mẹ. Mẹ rất vui khi thấy tôi đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Mẹ động viên tôi hãy làm giống chị, noi gương chị.
Đúng rồi, chẳng lẽ tôi cứ sống vô ích mãi trong đau khổ. Chẳng lẽ tôi uổng phí tuổi trẻ của mình bằng nỗi tự ti và dìm mình trong hố sâu thần chết. Tôi phải thoát lên thôi.
Ngày đầu tiên ở lớp học nghề, những người bạn đã cho tôi niềm vui trong sự thân thiện. Không ai ghét bỏ tôi hay chúng tôi không ghét bỏ nhau. Bởi mỗi người đều đang có một khiếm khuyết nào đó và tất cả đều đang cố gắng vượt qua khó khăn.
Chúng tôi hòa đồng cùng nhau sống, học tập, hy vọng. Nhớ lại hoàn cảnh của chị Lan, tôi thấy mình còn may mắn, còn khỏe mạnh hơn chị ấy nhiều.
Vậy mà chị ấy vượt lên được tất cả. Tôi hiểu ra rằng, giá trị của mỗi con người là ở vẻ đẹp tâm hồn, làm được gì cho đời, chứ không cần biết người đó là ai.
Dung Nhi
Nguyễn Văn Học (ghi)