Tôi là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội lập nghiệp. Tại đây tôi quen H., con gái một gia đình tiểu thương, người gốc Hà Nội. Sau hơn một năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định lập gia đình với nhau.
Khi ấy mẹ tôi ở quê có bán mảnh đất chia cho các con mỗi người một ít lấy vốn làm ăn. Vì không muốn phải dựa dẫm nhiều vào gia đình nhà vợ, với số tiền đó, tôi mua một căn hộ tập thể ở quận Đống Đa. Nhưng vì khi đó có quy chế người không mang hộ khẩu Hà Nội không được đứng tên chủ sở hữu nhà nên tôi đã để vợ đăng ký chủ sở hữu.
Sau một thời gian làm việc, vì sức khoẻ yếu, tôi về theo chế độ một cục. Đợt đó đúng lúc có cơn sốt đất. Dồn hết tiền mình có cộng với vay mượn bạn bè, tôi cũng đầu tư mua một mảnh đất phía Gia Lâm. Sau này được giá, nhờ bán mảnh đất đó đi mà vợ chồng tôi mua được một ngôi nhà ba tầng khang trang ở Kim Mã, mở được thêm cả một quán giải khát cho tôi có việc chạy ra chạy vào. Và hệt như lần trước, những đứng tên giấy tờ mua bán, chuyển nhượng này tôi đều “nhường” cho vợ đứng tên. Vì đơn giản nghĩ “của chồng công vợ”…
Càng sống với nhau lâu, chúng tôi càng tỏ ra xung khắc trong nhiều vấn đề. Không thể cứu vãn cuộc hôn nhân nhiều mâu thuẫn sâu sắc, cả hai vợ chồng đồng ý ra toà ly hôn. Cứ ngỡ như vậy là giải quyết cặn kẽ được mọi vấn đề, thế nhưng mọi sự không đơn giản như tôi nghĩ. Cũng tại tin tưởng, “nhường” vợ đứng tên hết trong các giấy tờ nhà đất mà giờ đây, trước pháp luật tôi chẳng thể chứng minh phần lớn số tài sản đó là đóng góp của mình.
Ngày xưa, lúc chúng tôi khốn khó cần tiền vay mượn, có hỏi nhờ cậy nhà vợ thì bị đây đẩy từ chối. Ấy vậy mà giờ đây, trước toà họ lại một mực khẳng định khoản tiền mua nhà ngày trước là do gia đình bên vợ cho vay. Trước tình cảnh đó, đến cả luật sư cũng phải bó tay chịu thua với trường hợp của tôi. Tình ngay lý gian, không thể biện minh một cách thuyết phục trước toà, tôi đành ngậm đắng nuốt cay khăn gói xách đồ, bị "đuổi" ra khỏi căn nhà mua bằng tiền của mình, do mình dồn bỏ công bỏ sức chăm chút suốt mấy năm nay.
Nhưng điều làm tôi phẫn nộ hơn cả là gia đình bên đó đã tìm mọi cách để tôi không thể tiếp xúc với đứa con trai lên 7 của tôi. Đã thế, không hiểu họ đã nói hay làm gì mà khiến thằng bé giờ cũng lánh mặt tôi, nghĩ tôi là kẻ xấu xa, không xứng đáng làm cha. Lấy cớ giờ tôi không có đủ điều kiện để nuôi cháu, vậy là quyền chăm sóc con bị tước khỏi tay tôi…
Hiện giờ, tôi cũng không biết mình sẽ tiếp tục sống như thế nào nữa khi mà gia đình thì tan nát, con không nhận cha, nhà cửa mất trắng, không công ăn việc làm, lòng tin suy sụp. Xem ra mọi con đường của tôi đều đang dẫn đến ngõ cụt…
Tiến Đạt (Ba Đình, Hà Nội)