75% nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc
Ngày 27/7/2018, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Đông (26 tuổi) và Lê Xuân Dũng (23 tuổi, cùng trú tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) để điều tra về hành vi mua bán người.
Thông tin ban đầu, khoảng giữa năm 2017, Dũng gặp và quen biết bà N.T.G. (trú tại thôn 4, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil - hiện đang cư ngụ tại Trung Quốc). Sau một thời gian, Dũng nghe Đông nói lại rằng, bà G đang cần tìm phụ nữ người Việt Nam để bán sang làm vợ cho người Trung Quốc. Nếu đưa được một người sang bán lại cho bà G sẽ được trả từ 20 đến 25 triệu đồng.
Do đang thiếu nợ nhiều người, Dũng đã đồng ý cùng Đông tìm phụ nữ để giao cho bà G đưa sang Trung Quốc. Để thực hiện kế hoạch, Dũng lập facebook có nick name “Xuan Tien” và đăng tải nhiều thông tin tuyển nhân viên với mức lương hấp dẫn để lừa gạt các cô gái cần việc làm.
Sau khi có người xin việc, Dũng đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để cùng Đông lừa nạn nhân ra biên giới giao cho bà G rồi nhận thù lao. Theo khai nhận của hai đối tượng, từ đầu năm 2018 đến tháng 5/2018, Dũng và Đông đã thực hiện được 2 vụ lừa phụ nữ để đưa đi bán. Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục mở rộng, điều tra vụ án.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ mua bán người đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Mới đây, tại chuỗi hoạt động truyền thông, hưởng ứng tích cực “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” tại Sơn La, Trung tá Ngô Xuân Ý – Phó phòng 9 Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an cho biết: Từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc phát hiện 868 vụ với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân, so với giai đoạn 2011-2015, số vụ giảm 28%, nhưng số nạn nhân lại tăng 7%, trong đó bán sang Trung Quốc chiếm trên 75%; sang Lào và Campuchia 11%, còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.
Địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người là Lào Cai (160 vụ), Hà Giang (37 vụ), Nghệ An (36 vụ), Điện Biên (33 vụ). Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Thủ đoạn chính của các đối tượng mua bán người là lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở phía Nam.
Thậm chí đã xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài mà Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt chủ mưu, cầm đầu; hoặc lợi dụng quy định về hiến ghép tạng (các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người cần với giá cao).
Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú cũng diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường gia đình, thông qua các trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, rồi lừa bán các em cho các hàng quán có hoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang Trung Quốc...
Sớm đánh giá tác động của Luật Phòng chống mua bán người
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) là nơi tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp và có số nạn nhân bị mua bán cao nhất là 11,7 triệu người, chiếm khoảng 70%. Những khu vực trên là điểm nóng về tội phạm mua bán người với các đường dây hoạt động xuyên quốc gia, khu vực.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, đặc biệt phê duyệt và tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2004 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015 và đang triển khai giai đoạn 2016 - 2020; ban hành Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành; pháp luật cũng đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan, trong đó sửa đổi, bổ sung cơ bản các điều luật liên quan đến tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg phê duyệt lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng chống mua bán người, một loạt các hoạt động đã được triển khai, nhờ đó kiềm chế sự gia tăng tội phạm mua bán người, giảm 28% số vụ và 6 năm liền Việt Nam luôn được xếp vào nhóm các quốc gia có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống mua bán người.
Bên cạnh những thành công đạt được, theo Trung tá Ngô Xuân Ý, vẫn còn rất nhiều khó khăn như một số bộ, ngành, địa phương vẫn xem nhẹ công tác phòng chống mua bán người. Công tác xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán gặp nhiều khó khăn; thiếu cơ chế hợp tác đặc thù đấu tranh chống tội phạm mua bán người nên nhiều vụ án bị câu dầm kéo dài hoặc bị đình chỉ điều tra... Để khắc phục những khó khăn này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Trong đó, ở góc độ bộ, ngành, Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an đề nghị Bộ Tư pháp với chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định có liên quan đến phòng, chống mua bán người để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là sớm nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành Bộ luật Hình sự (năm 2015) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) ở phần có liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu đánh giá tác động Luật Phòng chống mua bán người để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện với Bộ luật Hình sự mới ban hành.