Đạo diễn Đào Bá Sơn đã thành thật chia sẻ, sau khi chiếu ra mắt phim tại Sài Gòn ông đã bị phê bình rất nặng là tại sao đến lúc này phim vẫn còn để phải lồng tiếng. Trên thực tế, phim Long thành cầm giả ca thu tiếng trực tiếp toàn bộ, nhưng vì không muốn để khi lên phim, quan lại, vua chúa bị nói ngọng, nói sai đài từ nên đạo diễn đã chọn giải phải lồng tiếng lại cho nhân vật”.- Ông là người đầu tiên đưa đại thi hào Nguyễn Du lên màn ảnh rộng. Cảm giác khi bắt tay thực hiện điều đó như thế nào, thưa đạo diễn? - Tôi đã gặp thách thức rất lớn, bởi biết đụng đến Nguyễn Du là đụng đến hồn văn hóa của dân tộc. Tôi còn nhớ sau khi nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết xong Đại Việt sử ký toàn thư, cuối sách cụ có viết: “Thần muôn vạn kính sợ, kính sợ, kính sợ. Thần tội lỗi trăm phần”, cảm giác đó cũng là cảm giác của tôi khi làm Long thành Cầm giả ca để công chiếu cho toàn thể khán giả. Tôi không thoát được cảm giác kính sợ vô cùng, kinh hãi vô cùng. Sợ vì không biết người xem có chấp nhận nó không, và trong bộ phim mình trình bày có điều gì thất thố chăng. Mà tôi nghĩ, thất thố chắc là khó tránh.
Đạo diễn Đào Bá Sơn |
- Vậy ông đã dành thời gian và tâm sức ra sao để chọn cho được một diễn viên vào vai Nguyễn Du ở ’Long thành cầm giả ca’? - Tôi biết, nếu chúng ta có một triệu người thì sẽ có một triệu hình dung về Nguyễn Du khác nhau. Vì vậy khi chọn lựa chúng tôi tự đưa ra hàng loạt yêu cầu, chẳng hạn người đó phải có dáng dấp của một vị nho nhã, thư sinh, khuôn mặt phải thanh tao, đạo mạo. Sau này tôi chọn Quách Ngọc Ngoan là người đóng vai cụ Nguyễn. Anh ấy thỉnh thoảng vẫn cằn nhằn vì thấy ông đạo diễn đi chọn diễn viên sao lại đòi xem tay, xem chân nữa. Tuy nhiên, tôi chỉ cố gắng chọn được người giống nhất với hình dung của mình thôi.- Còn người kỹ nữ chơi đàn ông chọn là ca sĩ Nhật Kim Anh. Ông chắc có lý do riêng để chọn? - Đúng là khi chọn Nhật Kim Anh cho vai người kỹ nữ tên Cầm cũng có rất nhiều ý kiến. Nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình bởi vì trước hết Kim Anh là một ca sĩ. Cô ấy chưa nổi tiếng lắm, có quê ở Thanh Hóa và có nhiều nét tương đồng với nhân vật trong phim vì 10 tuổi Kim Anh cũng theo cha mẹ vào phương Nam lập nghiệp và tự cô ấy phải “chiến đấu” để học đàn, học hát... Tôi nghĩ, Kim Anh sẽ có được sự đồng cảm với một cô bé con lên 10, một mình đến kinh kỳ để bắt đầu một cuộc đọ sức với biết bao khó khăn.
Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh là hai diễn viên chính trong phim. |
- Bây giờ khi xem lại bộ phim hoàn chỉnh, cả hai diễn viên ông chọn, có chỗ nào, dù rất nhỏ thôi khiến ông chưa thực sự hài lòng? - Tôi phải nói thế này, nếu trong phim, diễn viên có chỗ nào đó đóng chưa thật tốt thì lỗi không phải ở họ mà là ở đạo diễn. Vì thế, nếu khán giả có chỗ nào chưa vừa lòng với vai diễn của Ngọc Ngoạn và Kim Anh, tôi mới là người phải nhận lỗi.- Thành thật khi bắt tay làm một bộ phim lịch sử, dù có ít cảnh chiến trận như là ‘Long thành cầm giả ca’, điều ông thấy khó khăn nhất là gì? - Khi làm một bộ phim về văn hóa Thăng Long với thành quách, nhà cửa quan lại trong hoàn cảnh tất cả mọi thứ đều không còn gì để đối sánh, khó khăn gặp phải là muôn phần không thể kể hết. Nhưng chúng tôi đã làm với tất cả tinh thần cho mong muốn: khai thác sâu văn hóa Thăng Long trên cơ sở lấy lịch sử làm phông nền cho câu chuyện của phim. Giá trị trường tồn của Thăng Long sẽ được thể hiện qua những ứng xử, qua tình cảm của hai nhân vật, qua những thứ chúng tôi thể hiện về thành quách, phục trang… Qua quá trình làm phim tôi thực sự rất hiểu và thông cảm với những đoàn phim phải sang Trung Quốc quay.Tôi vẫn nhớ cảnh chúng tôi khó khăn ra sao để có 5 con ngựa quay cảnh Nguyễn Du đi sứ. Sau khi họa sĩ thuê được ngựa ở Bắc Giang xuống, chúng tôi hăm hở dàn cảnh. Thế nhưng khi sắp cảnh người, ngựa hành quân để diễn thì cứ con này đi con kia dừng lại. Mãi sau này chúng tôi mới phát hiện ra một chân lý, không được để ngựa đực đi bên cạnh ngựa cái. Ngựa ở Trung Quốc thì khác, chúng đóng phim rất chuyên nghiệp. Đến mức ông đạo diễn yêu cầu con ngựa dừng ở điểm này thì vạch một vạch vôi trắng, ngựa chỉ cần tập một, hai lần thì đến đúng vạch vôi đó nó sẽ dừng lại.
Trong phim không có nhiều cảnh chiến trận nhưng vẫn khắc họa được đậm nét hoàn cảnh lịch sử thời đó với những cảnh loạn lạc vì thay vua, đổi chúa. |
- Thế tại sao ông không đi Trung Quốc quay? - Khi làm phim, tôi luôn mong muốn bộ phim của mình thuần Việt. Ngay tông màu trong phim tôi cũng chọn tông nâu, bởi tôi nghĩ, những người đi xa đồng bằng Bắc Bộ đều hình dung đến màu nâu sồng ấy, nó là màu của đất, màu của nền văn minh lúa nước. Thứ nữa, khi dựng và quay các cảnh về thành quách chúng tôi cũng cố gắng làm như thế nào để nó thuần Việt. May mắn là ở Việt phủ của anh Chương, không có gì là không thuần Việt cả. Khi bắt tay làm phim lịch sử, nhiều người có tâm lý sợ nó giống với phim tàu nhưng tôi là người ở Nam đã lâu, tôi sợ nhất một điều, phim mình nó giống sân khấu… cải lương.- Nhiều người có ý chê rằng tại sao tới thời đại này mà làm phim vẫn còn phải lồng tiếng. Ông giải thích thế nào? - Tôi cũng phải nói luôn là, có một bài báo đã cho rằng: “Nhược điểm lớn nhất của bộ phim này là lồng tiếng”. Nhưng tôi cũng khẳng định là phim này chúng tôi thu tiếng trực tiếp toàn bộ từ lời thoại, âm thanh. Âm thanh hiện tại có trong phim, 90% là do chúng tôi thu từ hiện trường. Nhiều nhân vật chúng tôi cũng để tiếng thật. Nhưng đây là bộ phim có rất nhiều quan lại và tôi không thể để quan lại nói ngọng, nói sai văn phạm, sai ngữ điệu, ngữ pháp. Đơn cử, một ông tể tướng thì giọng phải sang, đặc biệt phải là giọng Hà Nội gốc, phát âm chính xác mọi từ ngữ chứ chưa nói đến cách nói: giọng phải bề trên, sang trọng, phong lưu. Chính vì thế tôi lựa chọn lồng tiếng với thái độ tôn trọng sự trong sáng của Tiếng Việt. Tôi cũng luôn nghĩ, một bộ phim thành công, yếu tố quan trọng đầu tiên được quyết định bởi phương pháp kể chuyện của đạo diễn. Việc thu tiếng trực tiếp hay lồng tiếng chỉ là cách của đạo diễn tạo cho tác phẩm đạt được tính hiện thực, giá trị thực trong câu thoại của diễn viên, cho có hồn, có thần mà thôi.
Trong phim vì có nhiều quan lại, vua chúa nên đạo diễn Đào Bá Sơn phải chọn giải pháp lồng tiếng vì ông không muốn diễn viên vào vai quan lại nói sai đài từ, nói ngọng. |
- Chuyện để diễn viên hở da thịt trên phim đã từng là bài học nhỡn tiền đối với dự án Trần Thủ Độ. Vậy mà trong phim của mình ông vẫn để mấy cảnh quay có cảnh nữ diễn viên chính ở trong trạng thái này, thậm chí còn có cả cảnh ở trên giường. Ông lý giải thế nào? - Trong phim có cảnh Cầm và Tố Như thể hiện tình cảm với nhau, có đoạn họ thể hiện điều đó…ở trên giường. Tôi nghĩ, tình cảm con người với con người thì hoàn toàn có thể dẫn đến sự nảy sinh cảnh huống như thế. Nhưng chúng tôi chỉ làm đến mức đủ chứ không làm hơn nữa (để hai nhân vật ngả vào vai nhau ngủ). Tôi dừng lại ở đấy và thấy thế là đủ, nó vừa đúng với tinh thần của bài thơ. Chúng tôi cũng không định khai thác hơn, mặc dù biết khai thác hơn có thể sẽ có thêm người xem đấy nhưng nó sẽ trái với tinh thần bài thơ Long cầm giả ca của cụ Nguyễn Du. - Tiếng đàn người kỹ nữ trong bài thơ từng được Nguyễn Du được miêu tả “Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông/ Tiếng trong như đôi hạc kêu trên cao thẳm/ Tiếng lạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc/ Tiếng buồn như Trang Tích ngâm tiếng Việt lúc bệnh”. Thật ra ông hài lòng với bao nhiêu phần trăm về âm nhạc trong phim, một bộ phim mà người xem hẳn còn muốn một lần được nghe tiếng đàn mê hoặc mà Nguyễn Du từng kể trong thơ mình?
Trang Tích là người Việt, khi nước mất thì phò tá cho vua Trung Quốc. Trang Tích bị quan lại trong chiều tâu vua rằng, ông có ý làm phản vì là người Việt. Vua hỏi, làm sao để biết ông ta có ý làm phản, các quan lại thưa rằng, ông ấy không có biểu hiện gì sẽ làm phản cả, nhưng vì là người Việt, thế nào ông ta cũng sẽ làm phản. Khi ấy nhà vua nghĩ ra một cách, vua cho rằng, chỉ đợi tới khi Trang Tích bị bệnh, nếu khi rên, ông ấy vẫn còn nhớ Tiếng Việt thì sẽ biết liền. Và quả nhiên, tới khi Trang Tích bệnh, ông ấy đã rên hai tiếng “mẹ ơi” bằng tiếng Việt. |
- Giờ mình nói thẳng luôn như thế này, trong bài thơ cụ Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của người kỹ nữ trong như tiếng hạc, buồn như Trang Tích ngâm thơ Việt. Chính vì điều này khi tôi làm việc với nhạc sĩ Quốc Trung về âm nhạc, anh ấy có nói với tôi: “Anh Sơn ơi, giờ em lạy thôi, vì làm sao tìm ra người đàn mà tiếng trong như tiếng hạc, buồn như Trang Tích ngâm thơ Việt”. Tôi nói thật, từ nhỏ cha mẹ mình cũng chưa ai từng nghe tiếng hạc bao giờ thì đời mình nói chi đến việc được nghe tiếng hạc. Nhưng rồi sau đó chúng tôi phát hiện ra một chân lý, cụ Nguyễn Du yêu cô đào hát. Thật ra người kỳ nữ ấy có thể là một danh cầm tài hoa, nhưng khi yêu rồi thì mọi thứ lại càng trở nên lung linh, tuyệt vời hơn. Giải mã được ẩn số đó, chúng tôi yên tâm làm việc. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của anh Quốc Trung và cảm ơn sự hợp tác của anh ấy với chúng tôi ở bộ phim này.- Đoạn kết của phim quay cảnh chiếc giếng giống như một cây đàn nguyệt của cô Cầm đã mang theo suốt đời ca kỹ. Đạo diễn cũng mượn hình ảnh đó làm cái kết cho phim. Xin hỏi, cái giếng đó do đoàn phim tạo ra hay có sẵn? - Thật ra cái giếng đó ở Ninh Bình, chúng tôi đã tìm thấy nó sau khi đã đi khắp nơi cùng chốn (Hà Bắc, Bắc Giang…) Đây cũng là lần đầu tiên trong đời chúng tôi gặp cái giếng không có cái gờ thành và giống y như cây đàn nguyệt. Anh em trong đoàn phim từng bàn tính sẽ làm cái gờ lên cho nó giống cái giếng thông thường, nhưng sau đó thì nghĩ lại, bảo tại sao chúng ta lại làm lại, vì ở cái vùng đất như thế này, người ta làm cái giếng như thế thì đó là vì đặc điểm của vùng đất đó. Và chúng tôi tôn trọng, không sửa chữa. Cái giếng đó bằng đá đấy.- Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn!
Theo Báo đất việt