"Thực sự tôi không nghĩ rằng, mình làm điều gì với mục đích tạo dấu ấn, để đánh bóng mình", tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo ra mắt sáng nay.
Trong 30 phút, hơn 10 câu hỏi của 6 nhà báo trong nước và quốc tế được đặt ra cho tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không có văn bản chuẩn bị sẵn, tân Tổng bí thư: "sẵn sàng trả lời trực tiếp mọi câu hỏi". Cùng tham gia trả lời với người đứng đầu Đảng có đại diện của Ngoại Giao, Ban tổ chức, Văn phòng TƯ Đảng.
- Với kinh nghiệm của Chủ tịch Quốc hội đã điều hành một nhiệm kỳ thành công, ông sẽ triển khai áp dụng chất vấn trong Đảng thế nào?
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức để đảm bảo dân chủ. Cho đến nhiệm kỳ đại hội X vừa rồi đã có chủ trương chất vấn trong các Đại hội trung ương. Mỗi kỳ họp của trung ương ai có vấn đề gì cứ nêu. Nhưng vừa rồi, chất vấn trong Đảng còn hơi ít vì chất vấn trong Đảng khác với chất vấn trong Quốc hội.
Tại Quốc hội là bàn những vấn đề sâu rộng, hàng ngày, nóng bỏng, liên quan đến đời sống của nhân dân và nhiều nội dung của xã hội. Còn khi bàn tại Trung ương là bàn những quyết sách lớn, chủ trương chiến lược.
Thật ra hỏi cũng khó, hiện nay chưa có chất vấn nhiều. Tôi tin rằng sắp tới theo sự phát triển chung cần phải có chất vấn. Vấn đề là chúng ta phải tạo môi trường thế nào để mọi người cùng dân chủ, trao đi đổi lại thẳng thắn. Tôi từng nói nhiều trước Quốc hội, chất vấn là để cùng hiểu nhau, tạo cho nhau trách nhiệm.
- Tổng bí thư quan tâm tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào?
- Thực sự, tôi làm cái gì không nghĩ với mục đích để tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là đã tốt rồi. Đương nhiên trong khi phát triển toàn diện, triển khai thực hiện toàn diện các văn kiện thì phải có trọng tâm. Vấn đề xây dựng Đảng đang được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Một trong những bài học rút ra từ ngày có Đảng là xây dựng khối đoàn kết. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết là vấn đề chiến lược.
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, có nghĩa là không chỉ kinh tế mà tất cả vấn đề khác. Giờ không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế nữa mà nói là tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Quan trọng là phấn đấu tạo nền tảng để từ nay đến năm 2015 có một số nền tảng để năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có ba bước đột phá, trọng tâm trọng điểm là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế. Đến giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN và xa hơn nữa thì sẽ tính sau,bây giờ nói sớm thì sẽ không đủ căn cứ.
- Ông là nhà lý luận, là người tham gia soạn thảo Cương lĩnh 91. Đại hội biểu quyết vấn đề quan trọng nhất là công hữu về tư liệu sản xuất, ông nghĩ việc này sẽ tác động thế nào tới chính sách tới đây?
- Hôm qua có trao đổi tại hội trường, tôi đã trình bày. Quyền của đại hội, biểu quyết thế nào phải chấp hành. Đó là ý kiến của toàn Đảng phải nghiêm túc chấp hành, nhưng dù thế nào cũng không ảnh hưởng đến tính nhất quán của toàn Đảng, của Việt Nam.
- Một số đại biểu nói, quá trình chuẩn bị nhân sự công phu nhưng đại đa số người trúng cử là do Trung ương đề cử. Một số người được đề cử bổ sung cho rằng, họ không trúng vì cơ hội ít quá. Ông có thể nói điều gì để giải tỏa suy nghĩ này?
- Nhân sự do Trung ương chuẩn bị là cả quá trình công phu. Các cơ quan tổ chức phải nghiên cứu, đề xuất, thẩm tra và đánh giá toàn diện. Ví dụ có những người được giới thiệu tại đại hội nhưng nhiều đại biểu còn chưa biết rõ quá trình công tác ra làm sao, thậm chí chưa biết mặt. Trong khi số khác là qua bao nhiêu vòng giới thiệu. Đó là lý do số trúng cử phần nhiều do Trung ương đề cử. Nhưng cũng có 7 trườg hợp trung ương giới thiệu nhưng Đại hội không bầu, không trúng cử mặc dù quá bán.
Điều này cho thấy việc bầu cử vừa qua không phải là dân chủ hình thức. Từng dự với tư cách đại biểu chính thức đã 5 khóa, nhưng chưa khóa nào thấy tôi thấy giới thiệu nhiều như lần này.
- Trong thời gian vừa qua nhiều nhà phân tích cho thấy Việt Nam đã có chủ động, tức thời để ứng phó với thách thức kinh tế như là lạm phát cao, chính sách tiền tệ. Theo Tổng bí thư, chính phủ của VN thời gian tới sẽ có quyết sách gì?
- Nguyễn Văn Thạo (Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng): Đúng là năm vừa qua lạm phát cao, nợ nước ngoài còn lớn. Nhưng tất cả đều trong tầm kiểm soát. Ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của chúng tôi là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, để tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng. Biện pháp lớn của chúng tôi là sẽ đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện thể chế.
- Báo cáo của Ủy ban kiểm tra nói chống tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đảng sẽ có chủ trương và biện pháp gì để đẩy lùi tham nhũng?
- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đảng và nhà nước luôn đặt ra mục tiêu chống tất cả việc tham nhũng và có biện pháp để đảm bảo mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm minh. Đó cũng là chính sách trong thời gian tới.
- Có thông tin rằng, Việt Nam trấn áp các nhóm dân chủ. Như Tổng bí thư vừa nói, trong đại hội này, các ý kiến trao đổi rất thẳng thắn dân chủ. Vậy, Việt Nam sẽ có những quyết định gì để nâng cao chương trình nhân quyền ở VN?
- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Vấn đề quyền con người là mục tiêu, động lực, chính sách của Đảng nhà nước Việt Nam. Nhà nước chúng tôi luôn đưa ra các chính sách đảm bảo để người dân được hưởng thụ quyền tốt nhất và mọi chính sách đó đã được đảm bảo để thực hiện đầy đủ trên thực tế; đồng thời VN luôn sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước liên quan đến quyền con người.
Liên quan đến quyền con người, cách tiếp cận của các quốc gia có sự khác biệt. Để giải quyết sự khác biệt đó, Chính phủ VN sẵn sàng đối thoại. Đó luôn là chính sách nhất quán của chúng tôi.
Theo VnExpress