Vụ án nhiều “điểm mờ”
Tinh mơ một ngày tháng 2/2010, nhiều người dân khu dân cư số 2, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn rủ nhau ra đồng làm việc như những ngày thường nhật khác. Không khí buổi sáng sớm yên ắng bỗng có một tiếng thét kinh hoàng vang lên. Không ai bảo ai, tất cả mọi người trong khu dân cư đều bừng tỉnh, họ lao vội đến nơi phát ra âm thanh vừa nghe được.
Đến nơi, mọi người vẫn thấy chị Bùi Thị Van (32 tuổi, ngụ địa chỉ trên) đang run bần bật chỉ về phía khu vực suối Trang, giọng ấp úng: “Có… có xác chết ở suối kia kìa”. Tức tốc, ông Bùi Văn Tính (nguyên trưởng Công an xã Thượng Cốc nhưng ngụ tại khu dân cư số 2) nhanh chóng chạy đến theo hướng chị Van chỉ.
Trước mắt ông và mọi người, một cảnh tượng kinh hãi hiện ra, xác cháu bé đang trong thời kỳ phân hủy mạnh nằm úp mặt xuống suối. Do thời điểm này đang là mùa khô, nước suối không sâu nên có thể dễ dàng nhìn thấy cháu bé xấu số. Tin xác cháu bé tử vong ở suối Trang khiến cả khu dân cư số 2 đều bàng hoàng, xôn xao.
Ngay khi phát hiện sự việc, ông Tính đã điện báo cho lực lượng Công an huyện Lạc Sơn và Công an tỉnh Hòa Bình. Khi có mặt tại hiện trường, lực lượng khám nghiệm pháp y và nghiệp vụ tỉnh Hòa Bình xác định cháu bé xấu số là một bé trai. Cháu bé được khoảng vài tháng tuổi và nguyên nhân tử vong bởi tác động của ngoại lực. Cháu bé đã chết trước khi bị ném xuống suối.
Về phía cơ quan chức năng, khi bắt tay vào cuộc điều tra, lực lượng phá án Công an tỉnh Hòa Bình gặp vô vàn khó khăn. Đầu tiên là việc xác cháu bé bị phân hủy mạnh, khó nhận dạng và còn quá nhỏ tuổi.
Sau là, trong xã và khu vực dân cư số 2, không có gia đình nào bị mất con, thậm chí nhiều chị em đã sinh nở đều được triệu tập nhưng không hề có nghi vấn nào khác. Tất cả đều khẳng định mình không bao giờ làm việc “trời không dung, đất không tha” đó.
Thượng tá Trần Mạnh Hải |
Tiếp tục bám địa bàn, các trinh sát tập trung vào những lời đồn và tìm hiểu nơi xuất phát của chúng nhưng cũng không có căn cứ nào xác định được kẻ nghi vấn. Khi đó, Thượng tá Trần Mạnh Hải (nguyên Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội PC45 - Công an tỉnh Hòa Bình) được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm phá vụ án hóc búa.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu Thượng tá Hải cùng đồng đội phải nhanh chóng phá vụ án, tìm được hung thủ trong thời gian sớm nhất để ổn định đời sống nhân dân, bắt kẻ thủ ác phải trả giá về hành vi vô lương tâm.
40 ngày hóa trang thành phu đào vàng
Công việc vô vàn khó khăn, việc tìm nhân thân của cháu bé xấu số là việc làm mà nhiều cán bộ điều tra khi đó vắt tay lên trán ngán ngẩm, cho rằng là một việc làm không tưởng. Tuy nhiên, Thượng tá Hải đặt ra nghi vấn:
Cháu bé còn nhỏ, chắc chắn chỉ có người thân của cháu bé xấu số trên mới có thể gây ra vụ việc và cũng chỉ có người thân mới có thể đưa cháu bé đi xa đến khu vực hoang vắng để gây án. Nghi vấn này được ban chuyên án tán thành.
Ngay lập tức, nhiều tổ trinh sát được cử lên đường tập trung xác minh các đối tượng nghi vấn. Trong số này, nổi lên Bùi Văn Nịnh (SN 1979, ngụ xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Tại thời điểm xảy ra vụ án, có người đã thấy Nịnh di chuyển bằng xe máy gần khu vực gây án với bộ dạng hớt hải, vội vã.
Chi tiết này khiến lực lượng phá án đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, khi tiếp cận và tìm hiểu nhân thân của Nịnh, nghi can này lại không có mặt tại địa phương.
Cuộc tìm kiếm tung tích của Nịnh của ban chuyên án đã gặp phải những trở ngại lớn. Đó là việc thanh niên này không có người thân thích, lại là lao động tự do và chưa có vợ con nên y đi đâu và làm gì đều không có ai nắm được.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là quyết tâm phá được vụ án hóc búa bằng mọi giá nên Thượng tá Hải cùng đồng đội đã lần ra tung tích của Nịnh tại một bãi vàng sa khoáng của tỉnh Quảng Nam. Thông tin trên càng chắc chắn khi lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh Quảng Nam xác nhận thông tin về nghi can tại bãi vàng có đặc điểm trùng khớp với nhận dạng của Công an tỉnh Hòa Bình.
Khi tiếp cận bãi vàng có Nịnh đang làm việc, các trinh sát hình sự của tỉnh Hòa Bình nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam. Để “cá” không thể thoát khỏi “lưới” đã giăng sẵn, Thượng tá Hải cùng một chiến sĩ hình sự quyết định vào vai “phu đào vàng” với lỉnh kỉnh những đồ đạc đem theo.
Để tránh nghi can nghi ngờ, các anh nói mình quê Thái Nguyên và Cao Bằng. Hai người mơ làm giàu và kiếm thêm tiền nuôi vợ con nên đã tìm đến bãi vàng để “đổi đời”.
Sau khi Nịnh sa lưới, một động thái vô cùng bất ngờ đối với ban chuyên án khi “đồng bọn” của Nịnh là Bùi Văn Chung (SN 1979, ngụ xóm Mận, xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra đầu thú ngày 4/8/2010. Khai nhận ban đầu của hai nghi can lại càng khiến cơ quan điều tra bất ngờ bởi Bùi Văn Chung mới chính là kẻ chủ mưu của vụ án gây chấn động địa phương.
Cuộc tình vụng trộm đưa đẩy vào vũng lầy tội ác?
Quá trình điều tra, một sự thực đau lòng đã phơi bày. Nguyên nhân dẫn đến cái chết oan ức của cháu bé trên dòng suối Trang hóa ra bắt nguồn từ mối tình vụng trộm của Bùi Văn Chung. Lời khai ban đầu của Chung tại cơ quan điều tra cho hay:
Đầu năm 2004, Chung xin vào làm lao động hợp đồng tại Công ty TNHH một thành viên X91 (Thuộc Tổng công ty Đông Bắc, có địa chỉ tại Uông Bí, Quảng Ninh). Lúc này, mặc dù đã có vợ và hai con nhỏ ở quê nhà nhưng Chung vẫn nảy sinh tình cảm và chung sống như vợ chồng với chị Triệu Thị N. (SN 1984, ngụ thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Hai bị cáo Bùi Văn Nịnh và Bùi Văn Chung tại phiên tòa ngày 23/3/2011. Mặc áo trắng là chị Triệu Thị N. |
Cuộc tình vụng trộm này của Chung với chị N. đã để lại một giọt máu, là một cháu bé trai. Khi chị N mang thai, Chung có biết sự việc nhưng lẳng lặng đưa cho chị N một khoản tiền rồi bỏ về quê.
Ngày 4/1/2010, biết tin nhân tình đã sinh con, Chung lặn lội từ Hòa Bình ra Quảng Ninh thăm nom mẹ con chị N. Khi chị N đặt vấn đề Chung nuôi con riêng của hai người, Chung đã gật đầu đồng ý.
Bùi Văn Nịnh (là em họ của Chung) sang chơi. Sau khi mời Nịnh uống rượu, Chung nhờ Nịnh cùng mình đi trả cháu bé vì sợ sẽ không phải biết ăn nói thế nào với vợ và hai con. Sau một hồi suy nghĩ, Nịnh đồng ý. Đoạn, Nịnh bế cháu bé, ngồi lên xe máy do Chung điều khiển, khi đi qua suối Trang (thuộc xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn), Chung lái xe máy tạt vào một bãi đất ven bờ suối rồi nói với Nịnh:
“Thằng bé này bị bệnh không nuôi được, cho người khác nuôi thì sợ lây bệnh, nên bỏ nó đi thôi”. Nịnh tán thành: “Thế thì chỉ có vứt xuống suối”. Chung đồng ý: “Làm đi”. Ngay lập tức Nịnh bế cháu bé lội ra suối rồi bóp cổ, dìm cháu bé xuống nước trong 15 phút. Sau khi bỏ lại xác cháu bé cùng tư trang ở giữa dòng suối, Nịnh và Chung trở về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ngày 23/3/2011, Chung và Nịnh phải ra trước vành móng ngựa để trả giá cho hành vi tàn độc của mình. Cả hai bị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố về tội “Giết người” theo Điểm c, Khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào những tình tiết chứng cứ trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa. Nhận thấy hành vi tìm cách tước đi sinh mạng người khác của Chung và Nịnh là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Chung 19 năm tù, Bùi Văn Nịnh 18 năm tù.