GRDP giảm sâu, nhiều chỉ tiêu không đạt
Ngày 6/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, khai mạc Kỳ họp thứ 18. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại kỳ họp.
Khai mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023, tỉnh Quảng Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Song KT-XH trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có nhiều mặt nổi bật như đã thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Tuy nhiên, tình hình KT-XH vẫn còn nhiều hạn chế như tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022. Đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi; tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt dự toán và chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ (trong đó, thu nội địa đạt 100% dự toán); việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn; một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra…
Quang cảnh kỳ họp. |
Đáng chú ý, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội…
Trước những khó khăn, hạn chế mà tỉnh phải đối mặt trong năm qua, ông Cường đề nghị tại kỳ họp cần tập trung xem xét, thảo luận chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Trình bày báo cáo tình hình KT- XH năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phân tích làm rõ hơn về những khó khăn trong mà nền kinh tế đã phải đối mặt, khiến tốc độ tăng trưởng giảm so với năm 2022. Theo đó, tốc độ GRDP dự kiến giảm 8,25% là do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 20.100 tỷ đồng.
Nêu ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra của năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, toàn tỉnh cần tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh báo cáo về tình hình KT-XH năm 2023. |
Ông Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm. Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị… còn kéo dài. Công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm. Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc còn lúng túng.
Tốc độ GRDP Quảng Nam 2023 dự kiến giảm 8,25% là do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế khó khăn, tiêu thụ giảm nhất là ngành ô tô. |
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu cần có giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm do các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chỉ ra.
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp tài khóa, phục hồi phát triển KT-XH; có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các khó khăn chung do suy giảm thị trường… Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như GRDP giảm sâu, công tác theo dõi, giám sát, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, xảy ra sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra chỉ rõ.
Ông Hải đề nghị siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc ban hành nghị quyết phải đồng thời với giám sát quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, tránh lãng phí nguồn lực, thực hiện không nghiêm, không hiệu quả các nghị quyết đã được thông qua, cần cá thể hóa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, cần chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. |
“Tỉnh cần khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra. Chuẩn bị tốt các điều kiện, nguồn lực, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tạo sức bật mới cho khu kinh tế Chu Lai và vùng đông của tỉnh, hoàn thành dứt điểm các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các trục ngang của tỉnh,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị.