Các đơn vị đã phối hợp triển khai hiệu quả các dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn. Toàn quân đã triển khai xây dựng 28 khu kinh tế - quốc phòng, đang triển khai xây dựng 5 khu kinh tế-quốc phòng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều mô hình tiêu biểu trong công tác dân vận được duy trì và nhân rộng, phát huy hiệu quả như: “Tết quân - dân” của Quân khu 9; “Bốn cùng”, “Nâng bước em đến trường”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP); “Đồng hành với ngư dân” của Cảnh sát Biển…
Các đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, biển, đảo thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng các văn kiện pháp lý về biên giới; về chủ trương tăng dày, tôn tạo, phân giới cắm mốc quốc giới; chấp hành nghiêm các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết... Các đơn vị tăng cường hoạt động giao lưu, kết nghĩa, vận động nhân dân tham gia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; phối hợp tổ chức cho ngư dân vươn khơi bám biển, đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta... Các quân khu, BĐBP, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát Biển... có nhiều hình thức phù hợp, duy trì tốt quan hệ với đơn vị tương ứng của các nước tiếp giáp biên giới, góp phần củng cố tình đoàn kết, quan hệ hòa bình, hữu nghị...
Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhiều đơn vị đã giúp tiền bạc, ngày công, vận động nhân dân hiến đất giúp địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới như BĐBP Hà Tĩnh...
Tuổi trẻ Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng nhân dân địa phương nơi đóng quân, xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt với hàng vạn ngày công lao động giúp đỡ nhân dân trên địa bàn quân khu, trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, hỗ trợ sản xuất… Trong các đợt dã ngoại làm công tác dân vận, tuổi trẻ đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ, thăm và tặng quà người có công với cách mạng, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch mùa, tuyên truyền nếp sống vệ sinh, khoa học... Lữ đoàn đã giúp dân xây dựng nhà văn hóa xóm Phúc Thành nhanh hơn dự kiến 3 tuần. Công trình đưa vào sử dụng góp phần giúp xã Hóa Trung đạt thêm tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích trong năm 2017.
Cẩm Thủy, Thanh Hóa là một huyện miền núi với hơn 65% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Năm 2012, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy chỉ có 3 tiêu chí đạt chuẩn. Thế nhưng, cùng với sự đầu tư của trên, phát huy nội lực của toàn dân và sự chung sức của các ban, ngành, trong đó lực lượng dân quân đóng vai trò nòng cốt.
Đến nay, xã Cẩm Ngọc đã đạt 19/19 tiêu chí và mới đây, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cẩm Thủy đã tổ chức thẩm định để công nhận xã nông thôn mới. Trước đây, hầu hết các con đường thôn, xóm ở Cẩm Ngọc chỉ rộng khoảng 2m, chủ yếu là đường cấp phối, người dân đi lại rất khó khăn. Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí của đường giao thông nông thôn từ 3m đến 3,5m.
Với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong đó trực tiếp cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự huyện, xã xuống từng nhà dân vận động hiến đất làm đường, bà con nhiệt tình hưởng ứng ngay. Nhiều gia đình không chỉ tự nguyện hiến đất, mà còn tự bỏ tiền xây dựng lại tường rào, bờ kè ao nhà, đóng góp thêm kinh phí để làm đường. Trong ba năm qua, huyện Cẩm Thủy đã có hơn 40 công trình từ sự chung sức của lực lượng vũ trang huyện.
Ông Phan Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy khẳng định: “Hiệu quả từ những “Công trình quân dân” không chỉ giúp địa phương chúng tôi vơi bớt khó khăn mà còn tạo “cú hích” để mọi người dân tích cực tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua những công trình, phần việc đó còn góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ vững lòng tin của nhân dân với Đảng, với Quân đội trong giai đoạn mới, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình”.