Ba bị cáo trong vụ án là bà Hoàng Thị Thương (SN 1960, ngụ Đà Lạt); Nguyễn Thị Hồng Thuỷ (SN 1981, ngụ TP Đà Lạt) và ông Vũ Quang Liêm (SN 1960, ngụ TP HCM), bị cáo Liêm có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khoẻ.
Theo hồ sơ vụ án, bà Thuỷ nhờ chị gái cùng mẹ khác cha là bà Thương đứng tên nhà đất số 41 Đinh Tiên Hoàng, phường 2, TP Đà Lạt. Thông qua môi giới, năm 2018 bà Thuỷ bán nhà đất trên cho ông Liêm. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đang thế chấp tại ngân hàng nên bà Thương vay hộ tiền cho em để giải chấp GCN.
Sau khi thống nhất, bà Thương và ông Liêm đến văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng. Ngoài hợp đồng được công chứng trị giá 10 tỷ đồng, hai bên còn ký một hợp đồng khác trị giá 29,5 tỷ đồng. Sau đó chị em bà Thương không trả đủ tiền cho bà Đ.T.T.L (là người cho vay tiền để giải chấp tài sản - PV) nên bị người này gửi đơn tố giác.
Tháng 10/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố vụ án, khởi tố bà Thương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra, bà Thương đã trả đủ tiền cho bà L.
CQĐT sau đó ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ tội Lạm dụng tín nhiệm tài sản sang tội “Trốn thuế” vì đã ký 2 hợp đồng mua bán đất, trong đó hợp đồng công chứng 10 tỷ đồng, hợp đồng viết tay là 29,5 tỷ đồng nhằm trốn thuế. Vụ án được chuyển về cơ quan CSĐT công an TP Đà Lạt giải quyết.
Tại phiên toà, cơ quan công tố cũng như các luật sư đã làm rõ, xác định tài sản nhà đất số 41 Đinh Tiên Hoàng là của bà Thuỷ, bà Thương đứng tên hộ. Toàn bộ quá trình mua bán do bà Thuỷ quyết định, bà Thương chỉ ký tên vào các giấy theo hướng dẫn của Thuỷ. Đại diện VKS TP Đà Lạt xác định trong vụ án này, bà Thuỷ có vai trò cầm đầu, chủ mưu, bà Thương giúp sức tích cực, ông Liêm là đồng phạm.
Tại phần tranh luận, đại diện VKS và các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đối đáp, làm rõ nhiều vấn đề được cho là căn cứ để buộc tội các bị cáo.
Thứ nhất, cách xác định số tiền thuế các bị cáo đã trốn đóng. Theo đại diện VKS, bà Thương trốn 295.853.764 đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN); ông Liêm trốn lệ phí trước bạ (LPTB) 73.963.441 đồng, tổng cộng là 369.817.205 đồng. Còn các luật sư cho rằng, phần LPTB theo Luật Phí và lệ phí còn Thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế nên cần tách bạch hai số tiền này, đây cũng là số tiền để định khung hình phạt cho các bị cáo.
Thứ hai, VKS cho rằng hành vi trốn thuế của các bị cáo vi phạm chính sách thuế, gây dư luận xấu cần xử lý nghiêm. Còn các luật sư cho rằng kết luận giám định của Cục thuế Lâm Đồng chưa được đánh giá toàn diện. Bởi tại kết luận này, cơ quan Thuế cũng đề xuất xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế, trốn phí, lệ phí theo Luật quản lý Thuế đối với các bị cáo.
Thứ ba, tại phiên toà đã làm rõ bà Thương không đi nộp thuế, không uỷ quyền cho bất cứ ai thực hiện nghĩa vụ thuế, bà Thương không hưởng lợi, không có động cơ phạm tội.
Về lập luận này, đại diện VKS cho rằng bà Thương và các bị cáo đã trốn thuế, gây thất thu thuế cho nhà nước, đây là nguồn thu để phát triển đất nước nên cần xử lý nghiêm. Ngoài ra, do là chị em cùng mẹ khác cha nên bà đã giúp sức cho Thuỷ trốn thuế. Các sai sót như bà Thương không trực tiếp đi nộp thuế, không uỷ quyền theo đại diện VKS không làm thay đổi bản chất sự việc bởi bà Thương đi nộp thuế trực tiếp hay không thì số thuế đã trốn cũng không thay đổi.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, qua hồ sơ vụ án, lời khai các bị cáo tại phiên toà đủ cơ sở xác định các bị cáo đã “trốn thuế” như cáo buộc của VKS, các bị cáo dù biết sai vẫn vi phạm.
Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt mức án cụ thể với các bị cáo như sau: Bị cáo Hoàng Thị Thương 18 tháng tù, phạt bổ sung 55 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thuỷ 18 tháng tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; bị cáo Vũ Quang Liêm 12 tháng tù, phạt bổ sung 30 triệu. Ngoài ra các bị cáo Thương và Liêm phải nộp ngân sách toàn bộ số tiền thuế, LPTB đã trốn đóng.