Theo AFP, Aadhaar là hệ thống dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới. Theo chương trình này, mỗi công dân Ấn Độ có một ID duy nhất bao gồm 12 chữ số. ID này liên kết tới các dữ liệu khác của công dân Ấn Độ như dấu vân tay, hình ảnh quét mống mắt. Ban đầu, đây là chương trình tự nguyện nhưng sau đó được chuyển thành chương trình ID toàn quốc mang tính bắt buộc đối với những người muốn tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng việc triển khai là cần thiết để hợp lý hóa việc thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội và trấn áp tham nhũng. Chính phủ Ấn Độ cũng cho rằng việc triển khai chương trình này sẽ đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động phúc lợi của Chính phủ, đảm bảo rằng tất cả các chương trình hỗ trợ về thực phẩm, nhiên liệu hay các nhu yếu phẩm cho nhóm những người nghèo nhất tại Ấn Độ sẽ không bị những đối tượng trung gian tham nhũng cắt xén.
Phán quyết của 5 thẩm phán của Tòa án tối cao Ấn Độ ngày 26/9 đã chấm dứt những phản đối về mặt pháp lý kéo dài từ nhiều năm qua liên quan đến Aadhaar. Trước đó, các ý kiến chỉ trích cho rằng chương trình này đe dọa tính riêng tư của các cá nhân và có nguy cơ đẩy người dân vào tình cảnh bị giám sát. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về khả năng các thông tin cá nhân của người dân bị bán một cách bất hợp pháp.
Ngược lại, Chính phủ Ấn Độ khẳng định chương trình là cần thiết. Trong phán quyết ngày 26/9, Tòa án tối cao Ấn Độ đã giữ nguyên tính hợp pháp của chương trình với lý do các lợi ích mà chương trình này mang lại lớn hơn nhiều so với các nguy cơ có thể xảy ra. Theo phán quyết, tất cả người dân Ấn Độ khi sử dụng các dịch vụ công, từ việc nộp tờ khai thuế tới việc tiếp nhận lương hưu hay các chương trình phúc lợi xã hội sẽ phải tuân thủ luật và cung cấp số Aadhaar.
Tuy nhiên, các thẩm phán trong phán quyết cũng đã đưa ra một số hạn chế về sử dụng thông tin cá nhân của hơn 1 tỉ công dân nước này. Ví dụ, các doanh nghiệp sẽ không thể buộc khách hàng cung cấp dữ liệu Aadhaar, đồng nghĩa với việc người dân Ấn Độ sẽ không phải thực hiện việc cung cấp số ID khi sử dụng các dịch vụ như đăng ký số điện thoại di động, tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ cũng yêu cầu Chính phủ không được từ chối cung cấp một số dịch vụ cho người dân nếu họ không cung cấp số ID. “Không thể từ chối cung cấp dịch vụ cho trẻ em nếu chúng không cung cấp số Aadhaar”, phán quyết nêu.
Tòa án tối cao Ấn Độ cũng khẳng định các sinh viên ở nước này không thể bị từ chối cho nhập học nếu không cung cấp số ID vì quyền được học hành là quyền lợi căn bản của mọi công dân Ấn Độ. “Đó là một phán quyết cân bằng. Vấn đề lớn là chúng ta sẽ không phải cung cấp thông tin cá nhân cho các công ty di động, từ đó tránh được nguy cơ bị quấy nhiễu bằng những tin nhắn hay những cú điện thoại nữa”, ông Ritesh Bhatia – một chuyên gia về an ninh dữ liệu và là một điều tra viên về tội phạm mạng – cho hay.