Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, trong tháng 4 vừa qua, Tổ đã làm việc với 7 bộ, VCCI và đại diện 5 hiệp hội, ghi nhận 45 kiến nghị về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính.
Trong đó, có 15 kiến nghị chưa đủ cơ sở để giải quyết, các bộ và VPCP đã giải thích thỏa đáng. Các nội dung này có phụ lục kèm báo cáo đầy đủ gửi các thành viên Chính phủ.
Có 2 kiến nghị liên quan đến 2 dự án luật đang trình Quốc hội (Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Bộ luật Lao động sửa đổi).
Có 16 vướng mắc do quy định tại các văn bản của các bộ, đã có 8 vấn đề đã được các bộ xử lý, còn lại 8 vấn đề các bộ đều đã nêu phương án xử lý (phụ lục kèm theo báo cáo đầy đủ). Tổ công tác đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ hoàn thành việc xử lý các vướng mắc và thực hiện các cam kết ngay trong tháng 5/2019.
Về 12 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, có 6 vấn đề đã được xử lý tại các dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành (phụ lục tại báo cáo đầy đủ)
Còn lại 6 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Các bộ, cơ quan thống nhất với VPCP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý.
Cụ thể, vấn đề thứ nhất là vướng mắc tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, theo đó các cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện xếp hạng vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ (Luật Du lịch 2005 quy định các cơ sở lưu trú đủ điều kiện xếp hạng thì không phải xin giấy phép; Luật Du lịch 2017 không quy định vấn đề này).
Về vấn đề này, đề nghị giao Bộ Công Thương trình sửa đổi Nghị định này theo hướng chuyển sang hậu kiểm, thay vì phải xin cấp giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ thì các cơ sở lưu trú chỉ thông báo hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp rượu để bảo đảm rượu có nguồn gốc, xuất xứ. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, cho phép các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp không phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ.
Vấn đề 2 là bất cập tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm (dạng bao gói sẵn) phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe.
Về nội dung này, đề nghị giao Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định theo hướng bãi bỏ quy định trên để giảm gánh nặng hành chính và chi phí không cần thiết. Trong khi chờ sửa đổi Nghị định, cho phép doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm không phải xin 2 giấy xác nhận nêu trên.
Vấn đề 3 là đề nghị bổ sung một số nguyên vật liệu da giày và dệt may vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP).
Hiện, Bộ Công Thương đang sửa Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Đề nghị giao Bộ Công Thương rà soát tổng thể, trong đó có nguyên phụ liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất da giày và dệt may.
Vấn đề 4 là doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu giày dép từ Trung Quốc 5-20% (riêng đế giầy là 20%). Trong khi đó, từ 1/1/2015 thuế nhập khẩu giày thành phẩm là 0%, đã khuyến khích nhập khẩu giày dép nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan… và không khuyến khích sản xuất trong nước.
Đề nghị Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 153/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc.
Vấn đề 5, Chỉ thị số 46/CT-TTg cấm quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga trong trường học (bao gồm cả cao đẳng, đại học…) là không hợp lý. Đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng điều chỉnh nội dung Chỉ thị này theo hướng không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga tại trường tiểu học. Với các cấp học còn lại, tập trung tuyên truyền, giáo dục về thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm, đặc biệt là tỷ lệ calo để định hướng tiêu dùng (thay cho việc cấm).
Vấn đề 6 là các kiến nghị liên quan đến tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (iod), đề nghị Bộ Y tế khẩn trương khảo sát, đánh giá thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 11201/VPCP-KGVX ngày 16/11/2018.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết. Theo đó, ngoài 5 văn bản quy định chi tiết thi hành luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 trở về trước được lùi thời hạn trình vì lý do khách quan, có tính chất nhạy cảm, cần đánh giá tác động một cách toàn diện, hiện còn nợ đọng 8 văn bản, thuộc trách nhiệm soạn thảo của 7 bộ.
Ngoài ra, có 15 Nghị định phải ban hành trước 15/5 để có hiệu lực từ ngày 1/7, thuộc trách nhiệm 5 bộ.
VPCP đề nghị các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các văn bản trên, bảo đảm Chính phủ không nợ văn bản trước khi khai mạc kỳ họp thứ 7. Bộ trưởng chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ về việc để nợ đọng.