Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết 27 cũng đã chỉ rõ: Hệ thống pháp luật phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước; nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Từ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nói trên, để đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, ở góc độ đáp ứng yêu cầu mới của doanh nghiệp cần chú ý triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực
Việc rà soát, hoàn thiện phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Về cách tiếp cận vấn đề, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điểm mấu chốt là nằm ở doanh nghiệp, cần phải lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách, pháp luật không phải thuần túy xuất phát từ nhà hoạch định chính sách muốn gì mà phải biết doanh nghiệp cần gì. Một Nhà nước kiến tạo phát triển chính là biết lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng, minh bạch và an toàn cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh cũng như đời sống của người dân.
Về giải pháp cho vấn đề này, Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi và xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, từ đó tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động đầu tư, kinh doanh, cuộc sống của người dân, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Để thực hiện giải pháp này thì Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò trung tâm, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thu thập những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời.
Về nội dung rà soát pháp luật, chúng tôi kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, rà soát về các mô hình tổ chức doanh nghiệp, theo đó là mô hình quản trị doanh nghiệp. Vấn đề này hiện nằm chủ yếu trong Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã.
Về Luật Doanh nghiệp, đạo luật này mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Về cơ bản các mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã tiệm cận đến hầu hết các mô hình doanh nghiệp ở các nước kinh tế thị trường hiện đại, từ công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên, công ty hợp danh đến hoạt động kinh doanh một chủ (doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh). Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát về các quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông trong công ty cũng như về quản trị, điều hành công ty, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của họ cũng như cập nhật các mô hình quản trị công ty hiện đại, nhất là đối với mô hình công ty cổ phần đại chúng để sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp trong tương lai.
Đối với mô hình kinh doanh một chủ: Hiện nay ở Việt Nam đang tách thành hai loại với hai chính sách, cơ chế pháp lý khác nhau: một loại là doanh nghiệp nếu được thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân của Luật Doanh nghiệp; một loại là hộ kinh doanh. Loại hộ kinh doanh hiện nay chưa có luật điều chỉnh mà mới chỉ có Nghị định của Chính phủ. Chúng tôi đề nghị cần sớm xây dựng Luật này để có cơ sở pháp lý vững chắc cho quản lý và hoạt động của loại hình kinh doanh một chủ rất phổ biến này ở nước ta hiện nay với tên gọi là hộ kinh doanh…
Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các đạo luật, bảo đảm các quyền của doanh nghiệp như sau: Quyền tự do kinh doanh (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...): Về cơ bản các quyền này đã được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn cần thiết tiếp tục rà soát danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư; đồng thời quan tâm đến khâu tổ chức thực thi, cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh đội ngũ công chức trong thực thi công vụ để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tự chủ của doanh nghiệp được thực hiện trong thực tiễn.
Quyền sở hữu tài sản, lợi nhuận thu được (Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...): Các quyền này về cơ bản đã được ghi nhận và bảo đảm thực hiện từ Hiến pháp đến các đạo luật liên quan. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, các luật về đất đai, tín dụng... để bảo đảm hài hòa trong điều tiết thu nhập của doanh nghiệp, hài hòa trong mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Quyền bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh (Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu và các đạo luật chuyên ngành khác): Luật Cạnh tranh mới được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, vẫn cần được rà soát, sửa đổi (nếu cần) cùng với Luật Đấu thầu, Luật Thương mại và các luật chuyên ngành khác. Đồng thời chú ý khâu tổ chức thực thi, đặc biệt là khắc phục tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, đấu giá, trong tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng.
Quyền chủ động trong đổi mới, sáng tạo: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, trong chuyển đổi số để tự vươn lên và phát triển. (Cần sửa Luật Đầu tư về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các đạo luật về thuế trong ưu đãi đầu tư, điều tiết thu nhập...)…
Có cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán
Đối thoại với doanh nghiệp là một cách đổi mới công tác phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn) |
Thực tiễn hiện nay đang cho thấy, khâu tổ chức thi hành pháp luật (THPL) vẫn là khâu yếu. Nhiều báo cáo của Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ rõ điểm hạn chế này. Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, khâu tổ chức THPL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là về phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đa dạng, phù hợp; sự đồng bộ trong tổ chức thực thi chính sách, nhất là vấn đề nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế; về thể chế, chúng ta còn thiếu một đạo luật quan trọng là đạo luật về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật... Bởi vậy, pháp luật chậm đi vào cuộc sống, nhận thức và ý thức pháp luật còn kém, dẫn đến tình trạng vi pháp luật còn nhiều, xử lý cũng chưa nghiêm minh, nhất quán.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách, thể chế về tổ chức THPL, cụ thể là cần sớm xây dựng và ban hành Luật Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ quy trình, thủ tục cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể cả Nhà nước và xã hội trong tổ chức THPL; đồng bộ hóa các chính sách trong tổ chức THPL, nhất là bảo đảm nguồn lực tài chính đủ mạnh cho tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật; xây dựng và ban hành hệ thống chế tài đủ mạnh, đi liền với xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn luật” trong thực tiễn ở nhiều lĩnh vực hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; đồng thời nâng cao nhận thức về quyền của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước, đối với xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến các yếu tố: môi trường số; nâng cao vai trò, năng lực và thói quen sử dụng đội ngũ pháp chế doanh nghiệp và các thiết chế bổ trợ tư pháp khác đối với hoạt động của doanh nghiệp.