Sau gần hai tháng khẩn trương triển khai tổng kết Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh, đến nay Cà Mau đã hoàn thành báo cáo theo chỉ đạo của Trung ương. Để giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tính chất, ý nghĩa của đợt sinh hoạt này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Tổ trưởng Tổ giúp việc HĐND và UBND tỉnh tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tỉnh Cà Mau.
Việc tổng kết Hiến pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông ?
- Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về tổng kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch tổng kết; Quyết định thành lập Tổ giúp việc và đồng bộ triển khai các hoạt động tổng kết từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh đã thành lập 03 tổ công tác, tiến hành khảo sát tại 03 đơn vị cấp huyện, 02 phường, 04 đơn vị xã và 02 thị trấn. Qua đó, Tổ giúp việc đã tổng hợp báo cáo và thông qua Thường vụ tỉnh ủy, thường trực HĐND và UBND tỉnh trước khi ký ban hành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, như: thời gian ngắn nên công tác triển khai, quán triệt chưa đầy đủ các nội dung, yêu cầu tổng kết; đội ngũ cán bộ giúp việc chưa được tập huấn về nội dung và phương pháp tổng kết. Trong khi đó, yêu cầu tổng kết, đánh giá còn liên quan đến các Luật, Pháp lệnh và các văn bản thể chế thi hành Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, dẫn đến lúng túng trong triển khai và tổng hợp báo cáo.
Theo ông, qua tổng kết Hiến pháp lần này ở địa phương nổi lên vấn đề gì cần quan tâm?
-Trước hết, phải khẳng định rằng, Hiến pháp năm 1992 thể hiện đầy đủ tính khoa học pháp lý và thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển của đất nước, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một yêu cầu khách quan. Là người đã được HĐND và UBND giao trọng trách trực tiếp điều hành các hoạt động tổng kết, tôi rất trăn trở, mong muốn làm sao đánh giá đúng thực trạng về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Theo tôi, có mấy vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, pháp luật chưa cụ thể hóa đầy đủ, chặt chẽ Hiến pháp 1992 về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và thành viên UBND; quan hệ giữa HĐND, UBND với các cơ quan Trung ương; giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới; giữa Chủ tịch HĐND với chủ tịch UBND và giữa Thường trực HĐND với UBND; cơ chế đảm bảo thực thi quyền giám sát của HĐND cũng chưa thật sự đảm bảo.
Thứ hai, đã qua một số nơi HĐND chưa thực hiện tốt vai trò “là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, nhất là đối với HĐND cấp huyện và cấp xã. Biểu hiện rõ nhất là, chức năng giám sát của HĐND chỉ là “phản ánh, kiến nghị”, còn việc giải quyết luôn phụ thuộc vào cơ quan khác. Các Nghị quyết của HĐND ban hành đều do UBND đề xuất và sau đó cũng chính UBND là cơ quan tổ chức thực hiện, làm cho vai trò của cơ quan quyền lực bị thụ động.
Mặc khác, giữa các kỳ họp, hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã rất mờ nhạt, hiệu quả thấp… từ thực tiễn trên, nhiều ý kiến đề nghị là bỏ HĐND cấp huyện, cấp xã; tăng cường số lượng và chức năng của HĐND cấp tỉnh, đảm bảo giám sát toàn bộ hoạt động của UBND các cấp và thực hiện tốt vai trò “Là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân địa phương”.
Với tư cách là Tổ Trưởng Tổ giúp việc tổng kết Hiến pháp của tỉnh, ông có kiến nghị gì?
- Để cho việc tổng kết Hiến pháp đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, tôi có vài kiến nghị: Thứ nhất, Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp Trung ương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn về nội dung, đối tượng, địa bàn và thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Thứ hai, các Bộ, Ngành Trung ương cần tổ chức nhiều hoạt động tiếp cận nhân dân để vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, nhằm thu thập thông tin từ nhiều kênh khác nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hải Vân ( thực hiện)