Vụ việc CSGT các trạm xung quanh tỉnh Đồng Nai không phải đến bây giờ mà dư luận đã đặt vấn đề nhiều năm nay là các trạm có bảo kê cho xe tải, xe khách của Miền Tây đi ra tuyến đường đó để sang miền Đông, ra miền Trung... Cánh tài xế xầm xì với nhau nhưng không dám nói, không dám tố cáo vì chuyện làm ăn, được việc cho các tài xế và được việc cho cả CSGT nên 2 bên thỏa thuận ngầm với nhau về việc chở dư khách, chở quá tải trọng...
“Việc cấp dưới tố cáo cấp trên có hiện tượng bao che, bảo kê thì đây là một thông tin đáng ghi nhận và đáng được các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, làm rõ để trả lời cho công luận. Đã tố cáo, báo cáo rồi, đội trưởng CSGT của trạm đó đã trả lời như vậy thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, xác minh các nội dung đó có đúng không.
Cần làm rõ việc này, một là để trả lại sự trong sáng cho đội trưởng đội CSGT, hai là nếu anh đó có hành vi bao che, “bảo kê” như vậy thì phải xử lý, nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý, vì tai tiếng của công an, CSGT tỉnh Đồng Nai đã nhiều lắm rồi”- ông Hòa nói.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cần làm trong sạch đội ngũ công an, CSGT tỉnh Đồng Nai và toàn ngành nói chung. Theo ông, “vụ việc này Công an tỉnh thực hiện chức năng điều tra, xác minh. Nếu sau đó kết quả chưa thỏa đáng mà người dân, người tố cáo chưa đồng tình thì Thanh tra Bộ Công an nên vào cuộc thì sẽ khách quan hơn”.
Khẳng định việc cấp dưới đứng ra tố cáo cấp trên thể hiện sự dũng cảm trong đấu tranh PCTN, ông Phạm Văn Hòa cho biết, nếu thực tế tố cáo là đúng, có “lợi ích nhóm” thì sẽ nằm trong đối tượng trong công cuộc đấu tranh PCTN; nhưng mặt khác cũng có thể do “lợi ích nhóm”, lợi ích riêng tư mà đấu tranh nội bộ với nhau.
“Nhưng trước mắt chúng ta có thể thấy đây là hành vi dũng cảm, cấp dưới dám tố cáo cấp trên tôi cho rằng đáng được biểu dương, khen thưởng. Còn bên trong nội tình ra sao thì công an tỉnh, Bộ Công an hoặc các ngành chức năng như Viện kiểm sát, Tòa án, thanh tra vào cuộc sẽ rõ ràng”- ông Hòa nói.