Tín hiệu rất tích cực
Thực tế thời gian qua, những tiêu cực xảy ra trong lực lượng CSGT không phải là ít, nhưng hầu như những tiêu cực và sai phạm này đều do người dân và các cơ quan báo chí tố cáo, phát hiện. Hiếm có ở đơn vị, địa phương nào mà các tiêu cực liên quan đến việc “bảo kê” của các CSGT lại do chính người trong ngành tố cáo.
Khi một số chiến sĩ CSGT chấp nhận “vạch áo cho người xem lưng” cũng có nghĩa là tiêu cực tại đơn vị này đã đến mức quá trầm trọng, khiến họ không thể làm ngơ.
Trong cuộc đấu tranh này, không ít người đã bị trù dập, bị điều chuyển công tác, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người ruột thịt trong gia đình. Trước những sự việc đó, nhiều người dù biết xung quanh mình có không ít “giặc nội xâm” nhưng vì sự an toàn của bản thân hoặc vì tâm lý nể nang, xuê xoa nên chấp nhận những tiêu cực ấy như một điều hiển nhiên, thấy đúng cũng không dám bảo vệ, thấy sai cũng không dám đấu tranh.
Chia sẻ tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi diễn ra vào năm 2018, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền đã chua xót khi cho biết Ủy ban Tư pháp nhận được không ít đơn kêu cứu của những người từng tố cáo tham nhũng. Có người bị trù dập, mất việc, thậm chí có chỉ đạo ngầm nhằm “tiêu diệt” luôn người tố cáo.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc cấp dưới công khai tố cáo hành vi tham nhũng của cấp trên đã thể hiện sự dũng cảm trong đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh PCTN mà Đảng ta đang phát động và làm rất quyết liệt.
“Việc các CSGT tố cáo lãnh đạo “bảo kê” cho xe quá tải, tôi cho rằng đây là hiện tượng tốt, một tín hiệu rất tích cực và phấn khởi của công cuộc PCTN. Từ trước tới nay vẫn có việc cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng thấy có việc làm của lãnh đạo không đúng thì tố cáo lên cấp lãnh đạo cao hơn, nhưng ít đưa lên phương tiện thông tin đại chúng mà chỉ giải quyết trong nội bộ giữa tổ chức cấp trên và cấp dưới.
Nhưng thời đại 4.0 thì khác. Khi vụ việc này được phương tiện thông tin đại chúng quan tâm và ủng hộ thì phong trào PCTN sẽ lớn mạnh hơn”- bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) nhận xét.
Nói rõ hơn về “tín hiệu tích cực” này, bà Ngà cho biết: Vụ việc này diễn ra khi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN vừa họp xong, các đại biểu Quốc hội cũng phát biểu nhiều về vấn đề phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Ngoài ra, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng bày tỏ thái độ rất rõ ràng, kiên quyết rằng chúng ta không chỉ chống tham nhũng tập trung vào các vụ việc lớn mà phải chống cả “tham nhũng vặt”, mà chống một cách kiên quyết và kêu gọi thành một phong trào cho mọi người cùng tham gia. “Tích cực ở chỗ là vừa kêu gọi xong đã thấy có ngay hiện tượng này, đã có cán bộ tố cáo lãnh đạo cấp phòng, đội “bảo kê”. Rõ ràng như vậy là đã có người hưởng ứng. Phong trào có vẻ khả dĩ.”- bà Ngà nói.
Phải giải quyết đến nơi đến chốn
Tự phát hiện và công khai tố cáo hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan là điều không dễ, nhưng để giải quyết vụ việc này một cách khách quan, minh bạch lại không hề đơn giản, nhất là khi người bị tố cáo là lãnh đạo cấp trên của người tố cáo.
Trong nhiều trường hợp, sai phạm của người bị tố cáo không những không bị xử lý nghiêm khắc mà ngược lại, người tố cáo lại bị đem ra kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật vì những lý do nghe có vẻ rất nghiêm trọng, như “tiết lộ bí mật cơ quan” hoặc “vi phạm những điều đảng viên không được làm”…
Nhìn nhận rõ thực tế này, tại Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Chỉ thị 27-CT/TW), Bộ Chính trị đã thừa nhận: công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn để kéo dài, có biểu hiện bao che người bị tố cáo.
Việc kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
“Trước đây có việc đảng viên, cán bộ trong đơn vị tố cáo cấp trên vi phạm pháp luật, nhưng đúng là vấn đề giải quyết cũng nan giải, nhiều khi kết quả đáng buồn, đáng suy ngẫm. Nhưng bây giờ mình tin tưởng là sẽ làm tốt. Vì ở UBKTTW có quy định là nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của anh mà anh không giải quyết thì cơ quan cấp trên qua theo dõi, có thể vào cuộc giải quyết thay và sau khi có kết quả sẽ đánh giá thái độ của anh nữa. Thế nên lãnh đạo đơn vị đó phải có trách nhiệm giải quyết tố cáo một cách khách quan, đúng pháp luật”- bà Nguyễn Thị Bích Ngà cho biết.
Trong vụ việc tại Đồng Nai, “khi có người tố cáo thì anh phải xem xét có việc đó không, khi cấp trên giải quyết thì anh phải có trách nhiệm giải trình, báo cáo rõ và phối hợp để thẩm tra xác minh. Hiện tại chưa biết các chiến sĩ CSGT tố cáo đúng hay sai, vì vậy phải có cơ quan vào thẩm tra xác minh và có kết luận rõ ràng. Bây giờ sẽ phải khác, vì quy định đã rõ ràng hơn và tinh thần, trách nhiệm của mọi người cũng khí thế hơn, tin tưởng hơn”- bà Ngà tin tưởng.
Điều mà vị ủy viên UBKTTW đề cập cũng có nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào nếu vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh: nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung.
Bên cạnh đó, phải kịp thời khen thưởng những nơi làm tốt, phê bình nghiêm khắc, thậm chí xử lý cơ quan nào làm không nghiêm túc công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Cán bộ làm tốt được đề bạt cất nhắc, thậm chí vượt cấp… Và, khi chúng ta làm được những điều ấy thì bất kể ai cũng đều có niềm tin và dũng khí để đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
“UBKTTW chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này”. (Trích Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị).