Tình yêu giúp con người ta có động lực, yêu thương mọi người xung quanh và biết yêu thương cả chính bản thân mình. Đức Phật, một con người có tình yêu vĩ đại. Tìm về nơi Ngài, chúng ta chợt nhận ra, hóa ra bản thân mình đã quá ích kỷ, và đôi khi là chúng ta hiểu sai định nghĩa thế nào là yêu thương đúng cách.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, sao mình lại khổ sở trong các mối quan hệ thương yêu như vậy hay không, từ gia đình, bạn bè cho đến người bạn đời của mình. Chúng ta liên tiếp làm tổn thương lẫn nhau chỉ vì quan tâm những người thương của mình mà thiếu đi sự thấu hiểu. Bạn biết không, chỉ quan tâm và đem hết những gì mình có để cho họ thì chưa chắc đã khiến cho người kia hạnh phúc đâu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói một câu, đơn giản thôi mà vô cùng thâm thúy, “Hiểu là tên gọi khác của yêu thương, nếu bạn không thấu hiểu, bạn không thể yêu thương.” Nếu yêu thương mà thiếu đi thấu hiểu chính là đang làm hại người mình yêu.
Chúng ta thường mắc sai lầm giống nhau khi nghĩ rằng, tại sao mình đã hy sinh nhiều như vậy rồi, mà họ vẫn không hiểu được, vẫn không cảm nhận được. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến cảm giác và đôi khi là ước muốn, niềm mong mỏi của bản thân mình mà thôi. Nhưng thực ra, khi mình yêu thương một ai đó, mình phải hiểu được họ muốn gì, họ hy vọng vào điều gì, họ có cảm thấy hạnh phúc khi ở bên mình hay không, đó chính là chìa khóa. Chúng ta luôn nhân danh tình yêu, để rồi ràng buộc người thương của mình, để rồi xảy ra những mâu thuẫn và tổn thương không đáng có.
Bạn biết không, Đức Phật đi tìm chân lý, tìm ra lẽ thật của cuộc đời vì Ngài thương muôn loài, Ngài dạy cho chúng ta những bài học vô cùng thực tế. Tuy nhiên, Đức Phật chưa bao giờ bắt buộc chúng ta phải tuân theo những giáo điều, những lời dạy của Ngài cả. Bởi vì Ngài có một tình yêu vô điều kiện, Ngài thương yêu tất cả với tâm không phân biệt, không mong cầu. Lòng từ bi đó không có sự ràng buộc, chỉ mong muốn chúng ta ngày càng hạnh phúc và an lạc hơn mà thôi.
Tình thương không điều kiện, đó chính là tình thương đích thực. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta đều là một chúng sanh có cảm xúc, làm sao có thể yêu thương mà không cần sự hồi đáp. Chúng ta cũng hy vọng người kia yêu thương mình, bởi mình cũng cần được đáp lại. Tuy vậy, sự áp đặt thái quá lẫn nhau sẽ dần dần khiến cho các mối quan hệ trở nên rạn nứt, điều quan trọng vẫn là sự thấu hiểu và cảm thông. Yêu thương một người nghĩa là thấu hiểu được những nỗi khổ đau mà người đó đang phải chịu đựng.
Thiền sư Minh Niệm từng viết một bài thơ với ẩn dụ vô cùng sâu sắc:
Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.
Nếu bỏ một nắm muối vô ly nước, nước sẽ mặn không thể uống được, giống như trái tim của chúng ta vậy. Khi dung lượng trái tim và sự từ bi của mình quá bé nhỏ, phải chịu đựng nhiều thứ, mình sẽ không thể chấp nhận và tha thứ được cho những thiếu sót của người kia. Nhưng nếu mở rộng trái tim ra, chúng ta sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, khó khăn của họ không còn làm mình chướng ngại và đau khổ nữa. Nước dòng sông vẫn uống được và chúng ta sẽ không bắt buộc người thương phải thay đổi nữa, mà thản thiên chấp nhận mọi sự xảy đến như nó đang là.
Con đường của tình yêu thương là một trong những trải nghiệm phức tạp và đáng trân quý nhất của con người. Sự thấu hiểu chính là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho cha mẹ, những người thân hay là người bạn đời của mình.