Những câu chuyện “quân dân cá - nước”
Ngày 2/8/2017, cán bộ, chiến sĩ ĐBPCKQT Lào Cai đã cứu được 2 thiếu nữ bị nước lũ cuốn trôi trên sông Hồng và khu vực suối thuộc xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai). 8h ngày 2/8, mưa to đã gây lũ cục bộ trên suối Đồng Tuyển. Nước lũ tràn qua tuyến đường từ TP Lào Cai đi Bát Xát, cuốn trôi chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại phường Nam Cường, TP Lào Cai) khi đang điều khiển xe gắn máy qua đoạn đường này. Ngay khi nhận được thông tin, Đồn BPCKQT Lào Cai đã cử 15 cán bộ, chiến sĩ ra hiện trường để cứu vớt người và phương tiện. Đến 8h45, lực lượng biên phòng và người dân địa phương đã tìm thấy chị Hoa và chiếc xe gắn máy của chị bị lũ cuốn trôi 500m.
Hồi 10h15 cùng ngày, tại khu vực mốc 101 (3) bờ sông biên giới phường Duyên Hải, TP Lào Cai, em Cao Thùy Dương (ở phường Duyên Hải) không may bị trượt chân rơi xuống sông Hồng. Tổ công tác biên phòng đang tuần tra gần đó đã cùng một số người dân kịp thời cứu vớt, tiến hành sơ cứu và giao em cho gia đình.
Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh BĐBP, Đồn BPCKQT Lào Cai đã nhận đỡ đầu cho 12 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã, phường biên giới trên địa bàn. Đây là những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: mồ côi, bị khuyết tật, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, hoàn cảnh sống khó khăn; trong đó, có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số. Theo đó, mỗi em học sinh được cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Lào Cai hỗ trợ hàng tháng 500 nghìn đồng, cho đến khi các em đủ 18 tuổi.
Gia đình ông Ly Seo Di (dân tộc Mông) - hộ nghèo nhất thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng sinh sống ở khu vực sườn đồi có nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa bão. Ngay sau khi khảo sát, Đồn BPCKQT Lào Cai đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đến vận động gia đình ông Di di dời khỏi vùng nguy hiểm. Sau nhiều ngày vận động, gia đình ông Di mới chấp nhận di dời và được ông Trịnh Minh Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Nậm Sò hiến tặng một phần đất để dựng nhà mới. Cùng với địa phương, Đồn BPCKQT Lào Cai đã vận động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị quyên góp ủng hộ 30 triệu đồng tặng gia đình ông Di làm nhà. Đồng thời, đơn vị cử 20 cán bộ, chiến sĩ đến giúp gia đình ông đào móng, vận chuyển vật liệu xây dựng.
Hiệu quả của kênh liên lạc thông qua “đường dây nóng”
Ngày 7/2/2018, Đồn BPCKQT Lào Cai đã phối hợp với lực lượng Công an Biên phòng Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) tiến hành giải cứu thành công 2 nạn nhân là Châu Thị C (SN 2001) và Châu Thị D (SN 2002, đều trú tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị mua bán trở về đoàn tụ với gia đình. 2 nạn nhân sau đó đã làm đơn tố cáo đối tượng Sùng Seo Tráng (SN 1997, trú tại thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã lừa bán họ sang Trung Quốc.
Từ thông tin về nhân dạng của Tráng do 2 nạn nhân cung cấp, ngày 8/2/2018, tại TP Lào Cai, trinh sát Đồn BPCKQT Lào Cai đã phát hiện và đề nghị đối tượng Tráng về đồn để phục vụ công tác điều tra. Sùng Seo Tráng đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa các thiếu nữ mang bán qua biên giới và khai nhận: Qua những người bạn, Tráng có số điện thoại và làm quen với C. Sau một tháng tán tỉnh, khi C đã xiêu lòng thì Tráng bắt đầu liên hệ với các đối tượng ở bên kia biên giới để bán. Ngã giá xong, Tráng liền nói đưa C về nhà để ra mắt bố mẹ y ở Mường Khương rồi dắt cô đi bán.
Trước khi đi, Tráng bảo C rủ thêm bạn đi cùng cho vui và C rủ Châu Thị D đi cùng. Cả 3 đi từ Sa Pa sang Mường Khương, lợi dụng đêm tối, Tráng đã dẫn 2 thiếu nữ vượt biên giới sang Trung Quốc qua khu vực mốc 112, thuộc thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu để bán cho các đối tượng người Trung Quốc với giá 1,2 vạn nhân dân tệ. Sau đó, Tráng về nhà lấy toàn bộ số tiền trên mua chiếc xe máy Exciter biển kiểm soát 24V1-11168 với giá 40 triệu đồng.
Trung tá Hoàng Quốc Phong - Đồn trưởng Đồn BPCKQT Lào Cai cho biết: “Phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người có “muôn hình vạn trạng”, song chủ yếu vẫn là làm quen qua điện thoại, mạng xã hội hoặc tìm gặp trực tiếp để lừa gạt, dụ dỗ đi làm các công việc nhàn hạ với mức thu nhập cao, hoặc vờ yêu, sau đó lừa dẫn nạn nhân vượt biên giới ra nước ngoài, bán họ cho những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Thực tế cho thấy, công tác điều tra gặp rất nhiều trở ngại do người bị bán đang ở nước ngoài nên các điều tra viên không thể trực tiếp gặp gỡ, lấy lời khai. Đó là chưa kể, nhiều nạn nhân bị khống chế hoặc không có tiền chuộc, địa chỉ bị mua bán không rõ ràng nên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn, trong khi, để đưa các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người ra ánh sáng pháp luật, cơ quan chức năng phải xác định được nạn nhân cụ thể”.
Trung tá Phong cho biết thêm, vụ án trên thêm một lần nữa khẳng định hiệu quả của kênh liên lạc thông qua “đường dây nóng” mà hai bên đã thiết lập bằng điện thoại cố định giữa Đồn BPCKQT Lào Cai với Trạm Kiểm soát Biên phòng Hà Khẩu (Trung Quốc).
Có những khi nửa đêm, Đồn BPCKQT Lào Cai nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân: Có đối tượng đưa người vượt biên trái phép qua biên giới. Ngay lập tức, đơn vị đã cử trinh sát tăng cường tại các điểm canh gác để ngăn chặn. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, trời lại mưa lớn, các đối tượng đã vượt qua đường biên sang Trung Quốc. Trường hợp này nếu như trước đây thì phải đợi đến khi trời sáng, Đồn BPCKQT Lào Cai mới gửi được văn bản vụ việc cho các lực lượng chức năng phía bạn để phối hợp xử lý, thì nay sự việc đã được thông báo cho phía bạn ngay trong đêm thông qua “đường dây nóng”.
Ví dụ, từ năm 2016, vào lúc 23h30 ngày 15/4/2016, Đồn BPCKQT Lào Cai nhận được tin báo về đối tượng mua bán người dẫn 7 nạn nhân qua biên giới và thông báo với phía bạn qua đường dây nóng. Hơn 2 tiếng sau, đối tượng Trần Đức Hà (SN 1978, trú tại huyện Yên Lập, Phú Thọ) cùng 7 phụ nữ là nạn nhân do Hà lừa sang Trung Quốc để làm thuê với mức lương cao, nhưng thực chất là để bán… đã được lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giữ và bàn giao cho Đồn để xử lý.