Một ngày không đi làm có nghĩa là ngày đó không có thu nhập để trang trải bữa ăn, tiền thuê trọ. Không đang tâm chứng kiến những cảnh đời lật đận, cùng với sự chăm lo của Chính phủ, rất nhiều người dân Việt trên mảnh đất chữ S đã góp sức, góp của để san sẻ khó khăn người nghèo vượt qua gian khó.
Những suất ăn ấm lòng
Với những người thiện nguyện, giúp người không phải là cho cái mình dư thừa, mà là chia sẻ chút ít cái mình đang có'. Sau khi ủng hộ tinh thần và vật chất tới những bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ khu cách ly… ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, rất nhiều người dân trên các tỉnh, thành đã tiếp tục cùng chung tay góp sức những người “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như: công nhân nghèo, bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè, bán vé số, đánh giày, bốc vác, đồng nát…
Trước thông báo tạm ngưng dịch vụ xổ số trong 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020, chị Võ Thị Thùy Trang, 35 tuổi, chủ quán cơm Bình An (quận 10, TP. HCM) cùng một số bạn bè, nhà hảo tâm kết hợp tổ chức phát cơm 500 suất cơm miễn phí đến người lao động nghèo, người bán vé số bị mất thu nhập vì dịch vụ xổ số tạm ngưng để phục vụ phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh việc phát cơm miễn phí, người đến nhận cơm còn được tặng thêm khẩu trang nếu không có, nhận những lời thăm hỏi động viên từ quán khiến nhiều người cảm động.
Cũng mong muốn giúp đỡ bà con lao động vượt qua thời gian khó khăn vì dịch bệnh, tại góc ngã tư đường Hùng Vương với Trần Nhân Tôn, Q.5, gia đình một người dân chuẩn bị hơn 200 túi thực phẩm gồm gạo, mì tôm để gửi đến những người lao động lớn tuổi.
Anh Tống Hoàng Quân (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cùng những người bạn trong nhóm từ thiện G9 của mình đã vận động những phần quà, mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cơm áo của họ những ngày sắp tới. "Chúng tôi dự kiến phát 100 phần quà bao gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói... để các cô chú bán vé số có thể bớt đi một phần lo lắng. Những phần quà nhỏ thôi nhưng là tấm lòng của chúng tôi, hi vọng tất cả mọi người sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Quân chia sẻ.
"Để ấm lòng trong đại dịch Covid-19, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” dành cho những người khó khăn trong đại dịch này. Từ hôm nay 30/3 - hết 15/4, tại 2 địa điểm là số nhà 26 Ngô Thì Nhậm và 26/3 Ngô Thì Nhậm, phường 4, tp Đà Lạt, chúng tôi sẽ tặng 150 bánh tét mỗi ngày (mỗi bánh tương đương 1 bữa ăn cho 1 người). Một suất bánh nhỏ nhoi mong mọi người đón nhận tấm lòng của chúng tôi và xin chia sẻ. Chúc tất cả chúng ta cùng cố gắng vượt qua khó khăn này!"- đó là tấm lòng của người Đà Lạt.
Hành động đẹp ấy được lan tỏa khắp nơi. Sau nhiều ngày kêu gọi tiếp tế khẩn cấp, sáng 31/3, hàng trăm người bán vé số ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) đến số 100 Lý Thường Kiệt - phố cổ Hội An để nhận quà cứu trợ. Đây là đợt tiếp tế khẩn cấp được người dân, các mạnh thường quân tại Hội An huy động và tổ chức gấp rút trong vài ngày qua, nhằm hỗ trợ những người khó khăn, mất thu nhập từ nguồn vé số. Hàng trăm bao gạo, nước mắm, mì gói cùng khẩu trang được các tình nguyện viên quyên góp rồi chia thành các túi quà.
Cũng với mục đích san sẻ khó khăn với người nghèo, tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát, Bình Dương), một nhà dân chuẩn bị các phần lương thực bao gồm 1kg gạo và 7 gói mì để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Hằng ngày gia chủ chuẩn bị 60 phần quà, để trước cửa nhà cho người dân tiện đến lấy. Chủ nhà nói sẽ cố gắng làm đến khi nào hết khả năng mới thôi.
Những việc làm và hành động ý nghĩa giúp lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, cùng nhau vượt qua giai đoạn mà cả nước đang gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi, một người dân thiện nguyện ở Hà Nội đã cùng bạn bè thực hiện chương trình tặng thực phẩm hàng ngày cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở Thủ đô. "Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác"- Đó là thông điệp trong chương trình tặng thực phẩm hàng ngày đến với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô của anh Khôi. Điều đáng trân quý hơn nữa là, người được nhận không chỉ một lần, mà mỗi ngày đều được nhận như thế cho đến khi nào dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
“Ai cần đến lấy!!!! Đây là tấm lòng của anh em chúng tôi gửi đến người dân nghèo, người tạm thời không có thu nhập ở Hà Nội! "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19"; Chia sẻ khẩu trang và vật dụng thiết yếu....”. Đó là nội dung của nhóm thiện nguyện XQ đăng rộng rãi trên mạng xã hội để những người nghèo có thể tới những địa chỉ: đầu ngõ 54 Lê Văn Lương (gần ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám); số 420 Lạc Long Quân, Cổng chính KTX Mễ Trì, số 182 Lương Thế Vinh, 6 Phan Kế Bính, 31 Lương Khánh Thiện, 74 Nguyễn Văn Lộc. Đại diện nhóm thiện nguyện cho biết, các phần quà để sẵn gồm 2 gói mì tôm, 2 quả trứng, 2 thanh xúc xích đủ cho 1 người ăn 1 ngày. Sau khi hàng về sẽ có thêm các nhu yếu phẩm khác như gạo, dầu ăn, gia vị, bánh, khẩu trang, nước rửa tay...
Nhận được suất quà của nhóm thiện nguyện, bà Nguyễn Thị Tú, 52 tuổi (Thanh Hóa) lau nước mắt nghẹn ngào: “Tôi lên Hà Nội, thuê nhà trọ đi bán trà đá dạo ở các chợ mưu sinh. Khi có lệnh cách ly xã hội, công việc mưu sinh tạm thời dừng lại khiến tôi chẳng còn tiền để ăn nữa. Đang lo đói, nhận được phần quà thực phẩm này, tôi cảm động quá”.
Bà Thùy Dương, chủ trọ nghĩa hiệp miễn phí tiền nhà và trao quà cho những người thuê trọ |
Và những nhà trọ miễn phí rộng mở
Trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng cả kinh tế xã hội. Vì thế, không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, sắp xếp cho công nhân nghỉ luân phiên, thậm chí không ít công ty đã phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc không lương. Nhiều người lao động nghèo rơi vào tình trạng khó khăn, không có tiền để trang trải cuộc sống, trả tiền thuê trọ.
Ngoài việc trao quà thực phẩm, nhiều chủ nhà trọ tốt bụng đã quyết định miễn, giảm tiền phòng… giảm bớt nỗi lo âu đè nặng trên vai người lao động ngoại tỉnh.
Hiểu được khó khăn của 400 người dân ở trọ, bà Đoàn Thuỳ Dương (chủ nhà trọ đã miễn phí 2 tháng tiền nhà cho người thuê phòng trọ ở P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cùng với những người thân trong gia đình tiếp tục hỗ trợ cho 300 người bán vé số với số tiền 500.000 đồng/người; hỗ trợ hàng trăm người bán vé số có nhu yếu phẩm như gạo, mì gói hiện đang ở phòng trọ của bà Dương. “Trong 15 ngày tới, những người bán hàng rong chính thức thất nghiệp. Theo vận động của Chính phủ, họ sẽ không di chuyển đi nơi khác hoặc về quê, do đó tôi thấy hỗ trợ cho họ là cần thiết và xuất phát từ đáy lòng”- bà Thùy Dương hoan hỉ. Tiếp theo sau hành động nghĩa tình của bà Đoàn Thùy Dương, bà Thái Kim Anh cùng chồng là ông Nguyễn Văn Minh cũng đã thông báo việc miễn, gảm tiền trọ tháng 4 và tháng 5/2020.
Tại TP.Biên Hòa, cô Trần Ngọc Hiếu (ngụ đường Cách mạng tháng 8, P.Hòa Bình) có hơn 10 phòng trọ nằm ngay sau nhà, đa phần là dân lao động, làm thuê ở các quán ăn, xưởng gỗ, với giá cho thuê từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng/phòng. Các quán ăn đóng cửa, nhiều người thất nghiệp vì Covid-19, mọi người trong khu trọ bàn tính về quê vì ở lại không có tiền đóng trọ, ăn uống. Cô Hiếu đã quyết định giảm 700.000 đồng/phòng/tháng, đồng thời cho mọi người nợ tiền phòng 3 tháng tới đây.
Trong một khu nhà trọ trên đường Lê Đình Lý (Đà Nẵng), ngay giữa sân, một tấm bảng của bà Nguyễn Thị Xuân Hương thông báo được treo với nội dung: “Tình hình dịch bệnh khó khăn, cùng chia sẻ. Vào 2 tháng tiếp theo các phòng sẽ được giảm tiền phòng mỗi tháng. Các phòng nếu có khó khăn về thực phẩm hay vấn đề gì có thể nhắn tin. Hãy lấy mì tôm nếu cần”.
Cô Nguyễn Thị Thanh (chủ dãy trọ ở Đông Anh, Hà Nội) đã miễn phí tiền phòng cho 20 phòng trọ trong 2 tháng. Trung bình mỗi phòng ở mức 2 triệu/tháng, từ khi có dịch cô Thanh đã “thất thu” hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, cô Thanh rất vui vì mình đã góp sức giúp người lao động nghèo đỡ vất vả, yên tâm “ở nhà là yêu nước”.
Anh Lưu Hùng, 25 tuổi, nghề đánh giày xúc động: “Nghỉ ở nhà không có việc, chúng tôi đang lo tiền trả tiền thuê nhà trọ. May mắn, cô Thanh đã miễn phí cho chúng tôi tận 2 tháng tiền nhà. Chúng tôi đỡ được vài triệu đồng để tập trung lo mua thực phẩm cầm cự vượt qua “bão dịch”. Ơn này, chúng tôi không bao giờ quên”.
“Lá lành đùm lá rách’- những tấm lòng thảo thơm, nghĩa hiệp của những người dân đất Việt trong đại dịch đã lan tỏa bao điều tốt đẹp, nhen lên ngọn lửa sưởi ấm dành cho người kém may mắn, trong lúc khó khăn để họ có thêm động lực cùng cả nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Không có ai bị bỏ lại phía sau.