Sẻ chia khó khăn với người bán vé số
Thông tin làm ấm lòng mọi người thời gian này phải kể đến chuyện chủ một đại lý vé số ở Vĩnh Long giang tay giúp đỡ những người bán vé số. Chủ đại lý có tấm lòng nhân này là anh Nguyễn Thanh Tâm, đại lý vé số Thiện, phường 5, TP Vĩnh Long, Vĩnh Long.
Theo anh Tâm, trước thông báo của Chính phủ ngưng hoạt động bán vé số 14 ngày, trong khi những người bán vé số hầu hết là người nghèo hoặc vô gia cư, thu nhập hàng ngày chỉ phụ thuộc vào đồng tiền bán vé số nên anh đã quyết định hỗ trợ mỗi người bán vé số từng cộng tác với mình mỗi ngày 50 ngàn đồng, gọi là chút lòng nhỏ chia sẻ khó khăn cùng người bán vé số bạn hàng của mình.
Hành động trên khiến cộng đồng xúc động, đồng thời nó giúp đánh động lên một vấn đề bức thiết mà thời gian trước đó, do quá nhiều mối lo toan từ đại dịch, nhiều người quên mất: Những người bán vé số nghèo, người lang thang, nhặt rác… sẽ sống bằng gì, đi đâu, về đâu trong mùa dịch này? Sau đó, một số đại lý vé số ở Sài Gòn cũng lần lượt lên tiếng hỗ trợ cho bạn hàng vé số của mình. Cũng ở Vĩnh Long, một đại lý vé số khác đã hỗ trợ gạo cho người bán vé số.
Những hành động “lá lành đùm lá rách” cứ thế lan tỏa khắp các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh này phối hợp cùng các địa phương và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai việc hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người bán vé số.
Tại Cần Thơ, Công ty Xổ số kiến thiết thành phố đang liên hệ với các đại lý để thống kê số lượng người bán vé số để trao quà hỗ trợ. Mỗi phần quà gồm gạo, dầu ăn, nhu yếu phẩm khác, trị giá mỗi phần từ 500.000-700.000 đồng. Về phần mình, TP HCM đã lên phương án đề xuất hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày đối với người bán vé số, cách ly tập trung những người lang thang.
Nhiều người khó khăn được cứu giúp
Không chỉ người bán vé số, giờ đây nhiều người nghèo, khốn khó trong xã hội cũng được quan tâm đến bởi rộng rãi giữa lúc dịch bệnh hoành hành. Những ngày qua, rất nhiều lời kêu gọi lan tỏa trên mạng xã hội quyên góp cứu giúp người nghèo trong dịch bệnh.
Một trong những người đi đầu trong phong trào này lại là anh Đạt - chủ tiệm xăm ở quận Phú Nhuận (TP HCM) đã đặt những phần quà được gói ghém trước cửa tiệm mình bao gồm các thực phẩm như gạo, tương, dầu… với dòng chữ: “Nếu khó khăn trong mùa dịch, xin bạn lấy một phần quà. Còn nếu bạn khá bình ổn trong cuộc sống, xin hãy nhường lại cho những người kém may mắn”.
Phát quà cho người nghèo mỗi buổi sáng trước một cửa hàng. |
Tương tự, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức tặng tiền, quà, nhu yếu phẩm cho người nghèo, người lang thang… Sáng chủ nhật tuần này, nhóm từ thiện Tấm lòng vàng thông báo rộng rãi tổ chức tặng trên 6.000 phần quà cho người nghèo, khuyết tật tại khu vực đường Trường Sa, quận 3 (TP HCM).
Ông Hoàng Tuấn Anh, doanh nhân Việt kiều, Giám đốc Công ty PHGLock tổ chức tặng hàng trăm tấn gạo, chia làm nhiều ngày phát cho người nghèo nhiều quận trên địa bàn thành phố. Trước đó, ở đầu giai đoạn chống dịch, doanh nghiệp này đã tổ chức tặng nước rửa tay, chuông thông minh chống dịch, khóa thông minh… cho các trung tâm y tế.
Chị Nguyễn Thị Hương Trà, chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng Thiên Lộc, Bình Lợi, Bình Thạnh, TP HCM thì tổ chức phát quà hàng ngày trước cửa hàng mình từ ngày 2/4: “Bản thân tôi là người kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Nhưng tôi còn gắng gượng để gồng được, còn những người ảnh hưởng nặng nề nhất là những phận đời nghèo khó.
Thời điểm bình thường, họ kiếm ăn vốn không dễ dàng gì, nay đại dịch thì đường sống hầu như hoàn toàn bị chặn lại. Nghĩ vậy nên tôi quyết định dùng mặt bằng kinh doanh của mình đã làm chuyện ý nghĩa, tập kết hàng hóa, gom góp tiền của mình và sự đóng góp của mọi người để giúp cho người nghèo bớt khổ”, chị Trà chia sẻ.
Thời gian này, danh sách hơn 20 quán ăn miễn phí hoặc giá tượng trưng dành cho người khó khăn trên khắp địa bàn TP HCM cũng được cập nhật và chia sẻ liên tục, nhằm đến được với người lao động đang cần.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc PHGLock:
Mục tiêu của tôi là tự bỏ tiền túi và kêu gọi mọi người đóng góp để hướng đến 100 tấn gạo cấp phát cho người khó khăn. Mong muốn của chúng tôi khi thực hiện chương trình này để mọi người muốn đóng góp được dễ dàng, minh bạch thông tin. Đồng thời những ai đang muốn thực hiện thì sẽ rút kinh nghiệm từ cách phân phát này để lan tỏa ra các tỉnh, thành khác.
Theo tôi, mỗi một tấn gạo không làm bạn giàu hơn, cũng không làm bạn nghèo hơn nhưng có thể cứu được rất nhiều người. Chính phủ hiện giờ đang cố gắng chống dịch với nhiều hoạt động như chữa Covid-19 miễn phí, cung cấp thức ăn cho người cách ly, đưa chuyên cơ chở đồng bào về... Ai cũng đang tự hào là công dân Việt Nam, nên chúng ta cũng cần góp một bàn tay để hỗ trợ những người đang đường cùng.