Hai năm qua, sau bốn đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, ngành du lịch – khách sạn là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, không chỉ kiệt quệ mà có thể dùng từ “chết lâm sàng”. Thế nên việc cho Phú Quốc (Kiên Giang) thí điểm mở cửa du lịch trở lại là sự kiện tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều quan tâm “nghe ngóng”.
Tình huống oái oăm đã xảy ra ngay trước giờ “bấm nút”. Trong 2 ngày (19-20/9), qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trên địa bàn phường An Thới. Tính đến chiều 23/9, Phú Quốc ghi nhận 12 ca F0, nâng tổng số ca trên địa bàn là 69 trường hợp. Có 266 trường hợp là F1 đang cách ly tập trung.
Phú Quốc đã tập trung sàng lọc, tập trung truy vết, kiểm soát chặt chẽ đầu vào tại các cảng Bãi Vòng, Vịnh Đầm, An Thới và cảng ở sông Dương Đông; xét nghiệm toàn bộ người dân trên một số khu vực và sàng lọc ở các địa phương còn lại khoảng 25.000 hộ kỳ vọng kịp thời bóc tách F0.
Làm sao để Phú Quốc “sạch” COVID-19 là điều quan trọng không chỉ với Phú Quốc, Kiên Giang mà với ngành du lịch cả nước. Thế nên ngoài sự nỗ lực của các lực lượng tại chỗ truy vết, khống chế ổ dịch; Phú Quốc còn lập tức được sự hỗ trợ từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch của tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang…
Sự việc phát hiện các trường hợp F0 ngay trước thời điểm Phú Quốc dự kiến mở cửa đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine đã làm dấy lên những lo ngại. Một điều đáng lưu ý khác, hiện chưa có vaccine để tiêm cho 100% người dân Phú Quốc. Mặc dù Bộ Y tế đã đồng ý phân bổ cho Phú Quốc 300.000 liều nhưng đến nay vaccine vẫn chưa về tới Phú Quốc vì chờ kiểm định. Cho đến nay, Phú Quốc mới tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho công dân (từ 18 tuổi trở lên) được gần 37.000 liều, đạt 35% và mũi 2 gần 8.000 liều, đạt hơn 6% dân số.
Sự việc đã khiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc phải một lần nữa ngồi bàn tính lại. Lãnh đạo Bộ đánh giá việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc sẽ quyết định giai đoạn hồi phục tiếp theo của du lịch Việt Nam. Hiện rất nhiều địa phương quan tâm đến kế hoạch này để thực hiện ở địa phương mình nên việc chuẩn bị cho Phú Quốc thực ra là chuẩn bị cho các địa phương khác trên cả nước.
Sau khi tính toán, căn cứ vào tình hình tiêm vaccine hiện nay ở Phú Quốc và những diễn biến mới của dịch bệnh, các bên thống nhất xác định thời gian thử nghiệm thí điểm đón khách từ trung tuần tháng 11 và chính thức thí điểm từ cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Phú Quốc và Kiên Giang cho biết sẽ chủ động hơn với những tình huống phát sinh; có phương án xử lý cụ thể để đảm bảo việc mở cửa trở lại an toàn, hiệu quả. Với du khách, cần tính toán quy định rõ khách có bắt buộc phải mua bảo hiểm không, trong trường hợp khách là F0 thì kinh phí điều trị thế nào…
Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia du lịch như Thái Lan cũng đã có những thử nghiệm du lịch “hộ chiếu vaccine”, sau khi đã xác định sống chung với COVID-19. Và để thu hút du khách trong thời điểm khó khăn này, chắc chắn không phải dễ. Không phải cứ chấp nhận thí điểm là du khách sẽ “tràn ngập” Phú Quốc như thời chưa COVID-19. Biết là trách nhiệm, nghĩa vụ Phú Quốc phải gánh vác sẽ rất lớn, nhưng cả ngành du lịch đang trông chờ, nên quyết định mở cửa thí điểm du lịch trở lại với “đảo ngọc” là không quá đáng lo.