Cuộc gặp đầu tiên
Ông A. J. Muste được ủy quyền bởi tổ chức Fellowship of Reconciliation đã sắp xếp cuộc gặp giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ông Martin Luther King Jr. tại Chicago vào ngày 31/5/1966.
Họ có thời gian thảo luận riêng về những khủng hoảng khi đó tại Việt Nam và sau đó tổ chức họp báo chung tại Khách sạn Sheraton-Chicago.
Tuy nhiên, đã không có các bản ghi chi tiết về cuộc trao đổi riêng cũng như bản ghi âm về cuộc họp báo. Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình truyền hình Oprah Winfrey sau đó, Thiền sư nhớ lại: “Chúng tôi đã thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Chúng tôi đồng ý rằng không có cộng đồng, chúng ta không thể đi rất xa”.
Cùng ngày hôm đó, 2 người đưa ra thông cáo chung cho rằng “kẻ thù của những ai đấu tranh vì tự do và dân chủ không phải là con người. Chúng là nạn kỳ thị, độc tài, lòng tham, thù hận và bạo lực tồn tại trong trái tim con người. Đây là những kẻ thù thực sự của con người chứ không phải bản thân con người”.
Thông cáo cho rằng sự đấu tranh vì bình đẳng và tự do ở nhiều nơi là nhằm hướng đến sự tự quyết, thay đổi xã hội một cách hòa bình và cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Có một thông cáo chung tại cuộc gặp đầu tiên là khởi đầu phi thường cho mối quan hệ giữa 2 người, khởi đầu tình hữu nghị nằm trong lòng Cộng đồng Yêu thương mà cả 2 cống hiến cả đời.
Cuộc gặp cuối
Vào tháng 5/1867, khi Hội đồng các Giáo hội thế giới tổ chức hội nghị ở Geneva (Thụy Sĩ), Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Martin Luther King Jr. đều tham dự.
Tờ The New York Times đưa tin ông King đã cực lực lên án Chiến tranh tại Việt Nam tại sự kiện trên. Đó cũng là lần cuối ông và Thiền sư gặp nhau. Cuộc gặp của họ diễn ra với sự trao đổi nồng nhiệt và hài hước giữa những người bạn.
Theo sư cô Chân Không – người đã đồng hành chặt chẽ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc sáng lập Làng Mai, cuộc gặp này cũng là lúc ông King chia sẻ suy nghĩ về Cộng đồng Yêu thương với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và chính tầm quan trọng của cộng đồng là giá trị chung của 2 người.
“Tiến sĩ King đang ở trên tầng 7, còn tôi ở tầng 4. Ông ấy mời tôi lên ăn sáng. Trên đường, tôi bị báo chí vây quanh nên đến muộn. Ông ấy vẫn giữ thức ăn nóng và chờ tôi. Tôi chào ông ấy “Tiến sĩ King, Tiến sĩ King” và ông ấy chào lại “Tiến sĩ Hạnh, Tiến sĩ Hạnh!”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kể lại.
“Chúng tôi tiếp tục thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng, và những bước nào Mỹ cần làm để chấm dứt chiến tranh”, ông kể và cho biết 2 người đồng ý rằng cần có cộng đồng hạnh phúc, hòa thuận mới có thể đạt được niềm mong ước của họ.
Không ăn không ngủ, và đứng dậy sau cái chết của người bạn
Vào ngày 4.4.1968, ông Martin Luther King Jr. bị ám sát trên ban công khách sạn Lorraine ở Memphis (bang Tennesse, Mỹ) khi đang ở cùng bạn bè và nhiều người hoạt động vì quyền con người. Vào buổi sáng khi hay tin, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết một lá thư đầy xúc động cho ông Raphael Gould là người bạn của cả 2 và là một trong những giám đốc của tổ chức Fellowship of Reconciliation. “Đêm qua tôi không ngủ. Họ đã giết Martin Luther King. Họ đã giết chúng ta. Tôi lo ngại rằng gốc rễ bạo lực quá sâu trong tâm trí và cách xử sự của xã hội này. Họ đã giết ông ấy. Họ đã giết niềm hy vọng của tôi. Tôi không biết phải nói sao nữa… Ông ấy đã gây ấn tượng quá lớn đối với tôi. Sáng nay tôi có ấn tượng rằng tôi không thể chịu đựng được sự mất mát này”, ông viết.
Nhiều năm sau đó, Thiền sư kể lại rằng ông đang ở New York khi hay tin. “Tôi suy sụp, không ăn, không ngủ. Tôi thề sẽ tiếp tục xây dựng cái mà ông ấy gọi là cộng đồng yêu thương, không chỉ vì tôi mà còn vì ông ấy. Tôi đã làm những gì tôi đã hứa với Martin Luther King Jr. Và tôi nghĩ rằng tôi luôn cảm thấy sự phù hộ của ông ấy”, Thiền sư chia sẻ.
Và quả thật, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành đời mình để thực hiện lời thề ấy, xây dựng cộng đồng yêu thương, trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.