Cuối năm 2016 vừa qua, đường sách Nguyễn Văn Bình công bố doanh thu “khủng” với xấp xỉ 27 tỷ đồng, 500.000 bản sách được bán, hơn 1,5 triệu lượt người tới tham quan, mua sắm. Chỉ cần nhìn mật độ khách ghé thăm đường sách mỗi ngày, cả ngày thường lẫn cuối tuần, lễ… cũng có thể thấy được sức hút của đường sách. Từ khi đi vào hoạt động, đường sách còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân thành phố với nhiều sự kiện hay: triển lãm sách, tọa đàm về sách, ra mắt sách, trình diễn âm nhạc và các hoạt động ý nghĩa khác. Đường sách cũng đã nhanh chóng có tên vào một trong những điểm đến nổi bật mà du khách đến TP HCM không thể bỏ qua.
Chính thành công của đường sách này đã mở ra một hướng đi đầy tự tin cho những “con đường văn hóa” của thành phố mà sắp tới đây sẽ là con đường âm nhạc. Mặc dù chỉ mới nằm ở dự định và chưa công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể, con đường âm nhạc đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân thành phố, từ các nghề sĩ đến người buôn bán, sinh viên.
Địa điểm được chọn làm con đường âm nhạc là đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes – hai con đường song song trước dinh Thống Nhất, ở giữa là Công viên 30/4 xanh mát, một lựa chọn rất được đồng tình. Vốn dĩ, đây là địa điểm từ trước đến nay thường tập trung nhiều du khách, các hoạt động buôn bán, các sinh hoạt mang tính “hè phố” của giới trẻ.
Thời gian gần đây, do sự siết chặt quản lý hè phố nên giới trẻ gần như “mất chỗ” tập trung. Nếu biến những con đường này thành con đường âm nhạc, sẽ là một sự “chuẩn hóa” lại không gian sinh hoạt văn hóa của người trẻ nói riêng và người dân thành phố nói chung. Ngoài việc thu hút du lịch, con đường âm nhạc rất có thể sẽ là nơi để phát hiện ra nhiều tài năng trẻ.
Tất nhiên, tất cả còn mới chỉ nằm trên dự tính, để một con đường âm nhạc thành công, còn rất nhiều điều phải tính đến. Tại đường sách Nguyễn Văn Bình, điều đáng nói là dù nằm ngay trung tâm, nhưng chỉ cần bước vào con đường này, lập tức một không gian thơ mộng, thoáng đãng và yên tĩnh hiện ra. Đó cũng là một trong những lý do thu hút nhiều người đến với đường sách để tìm những phút giây thư giãn, lắng sâu trong tâm hồn. Cùng là con đường văn hóa, nhưng tính chất của con đường âm nhạc khác với đường sách.
Nhiều người lo lắng rằng, nếu không tính toán và thiết kế, sắp đặt và tổ chức hợp lý, con đường âm nhạc có thể rơi vào nhàm chán, hoặc gây nên ồn ào, huyên náo cho khu vực này. Sau phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình, rồi đến đường âm nhạc, thành phố ngày càng có thêm nhiều con đường giàu tính nghệ thuật, nhiều không gian đem lại niềm vui tinh thần cho người dân.
Nhiều người còn bày tỏ ước mơ về những con đường khác trong tương lai như con đường Điện ảnh, con đường Mỹ thuật, con đường Văn hóa dân tộc… Đó quả là những ước mơ rất đẹp đẽ. Với một thành phố trẻ trung nhiều sáng tạo như thế, người dân tội gì không mơ?