0h, điện thoại tòa soạn Pháp luật & Thời đại réo hối hả. Phía bên kia đầu dây, giọng một bạn đọc tỏ ra bức xúc, nói như sợ mất lời: “Có chuyện này động trời lắm, ở Huế có cô bác sĩ gì đó chữa bệnh bằng cách nhịn ăn, thu hút nhiều người đi theo chữa trị. Một người vừa qua đời cách đây mấy hôm do suy kiệt sức khoẻ, mấy anh phải viết bài để người khác tỉnh ngộ”.
Chân dung “thần bịp” Phạm Thị Xuân Quế (Hình chụp từ điện thoại di động). |
Chết vì cuồng tín?
Ông Nguyễn Đại Hoá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Điền, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đúng là có chuyện chị Phan Thị Thanh (50 tuổi, ngụ thôn Bình Lợi, thuộc xã) qua đời ngày 4/10. “Tôi cũng nghe nói chị Thanh qua đời do suy kiệt sau khi chữa bệnh bằng cách nhịn ăn, ngồi thiền ở một cơ sở chữa bệnh dưới thành phố Huế. Chị được gia đình chuyển vào bệnh viện nhưng không cứu chữa kịp. Đợi công việc tang gia hoàn tất, xã sẽ xác minh, kiểm tra, tuyên truyền để người dân tỉnh ngộ”, ông Hoá cho hay.
Những hàng xóm của nạn nhân cho hay, cách đây hơn tuần, nạn nhân vẫn đi lại khoẻ mạnh, hàng ngày buôn bán tại chợ trung tâm xã. Một người sống cạnh nhà nạn nhân kể rằng thời gian gần đây có biết chuyện vợ chồng chị Thanh thường xuyên về Huế chữa bệnh theo phương pháp nhịn ăn. “Trước đây có tin đồn hai người thôn bên cạnh đã khỏi bệnh nhờ nhịn ăn. Đó chỉ là tin đồn bậy nhưng từ đó một số người ở đây rỉ tai nhau đi nhịn ăn nhiều lắm, rầm rộ nhất khoảng hơn tháng trở lại đây”, người này cho biết.
Theo điều tra của Pháp luật & Thời đại, nạn nhân này trước đây bị bệnh suy tim nhưng chưa đến mức nguy kịch. Bị “xúi dại”, chị cùng chồng tìm đến nhà “thần y” để “chữa trị theo phương pháp mới”, sau 7 ngày thì suy kiệt sức khoẻ, phải chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu và đến ngày 4/10 thì tử vong. Có điều lạ rằng gia đình nạn nhân không hề tỏ thái độ bức xúc trước sự ra đi của người thân, thậm chí còn cho rằng: "Đó là sự giải thoát khỏi đau đớn thể xác”.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hương Trà bức xúc: “Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện chị Thanh qua đời và hoàn toàn không đồng ý với việc làm của chị này. Bị mắc bệnh nhưng thay vì đến các trung tâm y tế để khám chữa bệnh, nạn nhân lại cuồng tín đến nỗi đánh mất cả mạng sống của mình. Sắp tới chúng tôi sẽ phổ biến sâu rộng cho tất cả hội viên biết và tránh xa những phương pháp chữa bệnh mang tính mê muội, cuồng tín”.
Thâm nhập “phòng khám chữa bệnh” quái dị
Đó là căn nhà hai gác khá khang trang, rộng rãi nằm sâu trong con hẻm trên đường Minh Mạng (thôn Thượng 1, phường Thuỷ Xuân, Huế). Tiếp những vị khách nhập vai người nhà của bệnh nhân muốn biết sơ qua cách thức trị liệu để tham gia, nữ “thần y” rất nhiệt tình.
Người này cho biết mình là “bác sĩ” Phạm Thị Như Quế (76 tuổi), “từng công tác giảng dạy trong ngành y nhiều năm”. Bà Quế cho rằng đã áp dụng chữa bệnh tật bằng phương pháp dưỡng sinh Ohsawa (hiểu nôm na là nhịn ăn, uống nước trong) từ hàng chục năm, “thấy hiệu quả nên đem ra chữa trị rộng rãi cho những ai có nhu cầu”; đặc biệt từ năm 2004 mở cơ sở khám chữa bệnh tại nhà.
Theo lời người này, những bệnh nhân tìm đến đây nhờ chữa trị đều đã thuộc diện “y học bó tay”, nhưng bà thì “không chịu thua”. Bà Quế cho rằng: “Bất kể bệnh gì, chỉ cần nhịn ăn sẽ khỏi, ăn vào là chết” và “hiện trong, ngoài nhà tôi có khoảng 30 giường bệnh để người bệnh ăn nghỉ tại chỗ”. Nói về quá trình trị liệu, bà Quế cho biết tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, tuỳ vào loại bệnh mà có chế độ nhịn ăn riêng rẽ với từng bệnh nhân, thời gian nhịn ăn có thể kéo dài 1 - 3 tuần. Trong suốt thời gian này, người bệnh chỉ được “uống nước nhằm thanh lọc cơ thể, loại bỏ tế bào gây bệnh”.
“Sau thời gian nhịn đói, người bệnh sẽ được cho ăn hồ, cháo hoặc cơm gạo lứt với mè đen. Ai chịu đựng nổi thì sống, phạm sẽ chết”, bà Quế phát biểu một cách phản khoa học. Có lẽ vì thế mà bất cứ bệnh nhân nào điều trị theo phương pháp quái dị này đều phải làm “giấy cam kết” nhằm chứng minh “tôi hoàn toàn tự nguyện chứ không hề bị bắt ép”. Bà lão này mạnh miệng: “Từ trước đến nay, tôi đã chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh, nhiều bệnh nan y như ung thư, gút, đau mỏi xương khớp…”.
Nói về nạn nhân mới tử vong, bà Quế thừa nhận nạn nhân từng điều trị tại nhà mình. Lý giải nguyên nhân, bà Quế “đổ lỗi” do bệnh nhân “không tuân thủ quy trình chữa trị”: “Mấy ngày đầu cô ấy rất khoẻ, tôi đã dặn không được để quạt máy nhưng vợ chồng cô ấy không nghe lời, để quạt cả đêm nên bị trúng gió”.
Khi được hỏi có được cơ quan chức năng cấp giấy phép hành nghề, “thần y” vòng vo né tránh trả lời, cuối cùng mới thừa nhận không phép. Mâu thuẫn khác dễ dàng nhận thấy là tự xưng là cán bộ y tế, người này lại lí giải ngây ngô: “Tôi chữa bệnh hoàn toàn không dùng thuốc thang nên việc gì phải đăng kí, người ta thích thì tìm đến. Tôi có ép buộc đâu?”.
Người bệnh nhịn đói tại nơi chữa bệnh không phép, phản khoa học |
Vạch mặt “thần bịp”
Bà Quế cho biết mình khám chữa bệnh tại nhà miễn phí, thậm chí ngay cả chỗ ăn nghỉ cũng được gia chủ bố trí chu đáo. Hôm vào “cơ sở” khám chữa bệnh này, chúng tôi quan sát có gần chục người bệnh đang nằm vắt vẻo trên võng nhịn đói đọc sách. Họ cho biết đang “điều trị bệnh tật” theo “phương pháp dưỡng sinh mới”. Nói về hiệu quả, ai cũng ngần ngại: “Có bệnh thì vái tứ phương thôi chứ chưa thấy hiệu quả”.
Thêm khuất tất nữa là dù khám chữa bệnh miễn phí nhưng bà Quế lại gián tiếp “móc ví” bệnh nhân dưới hình thức bán thực phẩm, thu tiền cúng dường. “Gạo lứt và mè đen người bệnh phải bỏ tiền mua, đến chữa bệnh ai cúng dường ít nhiều tuỳ vào lòng hảo tâm của họ. Mỗi tháng tôi đều tổ chức lễ phóng sanh, ai phóng sanh nhiều thì bệnh càng nhanh khỏi”, lời bà Quế nói.
Người nhà một bệnh nhân bị ung thư ở Quảng Trị từng bị “ăn quả lừa” của “thần bịp” kể: “Mẹ tôi bị ung thư giai đoạn đầu, cách đây mấy tháng có tìm đến đây nhờ chữa trị. Tuy nhiên chỉ được vài ngày thì bà gọi điện về nhà “xin cứu viện”, gọi con cháu đưa về bởi quá sức chịu đựng. Nếu không về kịp thời, có khi bà chưa chết vì bệnh, đã chết vì đói”.
Bác sĩ Lư Bá Lộc, Trưởng trạm y tế phường Thuỷ Xuân cho biết từng nghe nói đến chuyện bà Quế chữa bệnh tại nhà, nhưng do quá thẩm quyền nên chưa tiến hành kiểm tra.
Theo bác sĩ Lộc, từ trước đến nay, giữa bà Quế và cơ quan y tế chưa hề có sự phối hợp nào trong công tác khám chữa bệnh. Nói về nghiệp vụ chuyên môn, bác sĩ Lộc trình bày: “Thực tế có phương pháp ăn gạo lứt và mè đen để chữa trị bệnh đau dạ dày. Nhưng nhịn ăn rồi sau đó chỉ ăn gạo lứt và mè đen để chữa bách bệnh thì đến nay chưa ai chứng minh được. Ngược lại nhịn ăn dài ngày có thể dẫn đến hạ đường huyết, gây nguy hiểm tính mạng”.
Cùng quan điểm, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế Thành phố Huế cho hay, phương pháp trị liệu Dưỡng sinh Ohsawa có nguồn gốc từ Nhật Bản, đến nay chưa được áp dụng phổ biến. Riêng chuyện nhịn ăn có thể chữa trị bách bệnh là quan điểm phản khoa học. “Chúng tôi sẽ báo cáo lên Sở y tế để có biện pháp thanh tra, xử lý sớm nhất”, ông Hùng nói. Như vậy, rõ ràng phương pháp chữa bệnh của người phụ nữ nêu trên chỉ là một trò bịp bợm, phản khoa học.
Văn Mai